PHỦ
THỦ TƯỚNG
*******
Số:
44-TTg
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
Hà Nội ngày 03 tháng 02 năm 1961
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO NHANH VỀ TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Để tăng cường việc kiểm tra
đôn đốc và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với các ngành và các địa phương
trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước;
Theo đề nghị của Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành bản quy định chế độ báo cáo nhanh về
tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước theo văn bản kèm theo.
Điều 2. – Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chịu trách
nhiệm truyền đạt và hướng dẫn thi hành chế độ báo cáo này cho các Bộ, các cơ
quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, và các Ủy ban hành
chính các khu, thành phố, tỉnh.
Điều 3. – Các Bộ và các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực
thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh căn
cứ vào bản quy định này mà ra những Chỉ thị cần thiết cho cấp dưới.
Điều 4. – Chế độ báo cáo này thi hành kể từ tháng 02 năm
1961.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|
CHẾ ĐỘ
BÁO CÁO NHANH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
I. MỤC ĐÍCH
Việc lập và ban
hành chế độ báo cáo này nhằm mục đích thu nhập nhanh chóng và có hệ thống một số
chỉ tiêu thống kê chủ yếu trong các ngành kinh tế quốc dân, giúp Trung ương Đảng,
Chính phủ và các Bộ chủ quản nắm tình hình chỉ đạo kịp thời, kiểm tra một cách
chặt chẽ và có hệ thống quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước và các công tác
trung tâm trong từng thời kỳ.
II. HỆ THỐNG
CHỈ TIÊU BÁO CÁO NHANH
Nông nghiệp:
- Tiến độ
gieo cấy của các cây lương thực và cây công nghiệp chủ yếu.
- Tiến độ gặt
lúa và thu hoạch hoa màu lương thực.
- Tình hình sản
xuất phân bón và số lượng phân bón đã sử dụng trong các đợt bón phân.
- Tình hình cải
tiến nông cụ.
- Tình hình mở
rộng diện tích được tưới, thu hẹp diện tích bị hạn, thu hẹp diện tích bị úng
trong các đợt làm thủy lợi, chống hạn, chống úng,…
Công nghiệp:
- Sản lượng sản
phẩm chủ yếu của công nghiệp quốc doanh Trung ương.
- Sản lượng
điện, than, gang, phân bón hóa học của công nghiệp địa phương.
- Lợi nhuận của
các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh Trung ương nộp cho Tài chính.
Kiến thiết
cơ bản:
- Tổng mức đầu
tư thực hiện, khối lượng xây dựng, khối lượng lắp máy.
- Khối lượng
thi công cơ giới của các đơn vị xây dựng trọng điểm do Trung ương quản lý.
- Số đơn vị
thi công trên hạn ngạch, dưới hạn ngạch.
- Số đơn vị
đi vào sản xuất, năng lực đi vào sản xuất.
Giao thông
vận tải:
- Khối lượng
hàng hóa vận chuyển, khối lượng hàng hóa luân chuyển (chỉ tính đường sắt, đường
ô-tô và đường sông, đường biển, không cần vận tải thô sơ như xe trâu, bò, ngựa,
thồ, bè, mảng).
- Tình hình thực
hiện hợp đồng vận tải các ngành vận tải đường sắt, đường ô-tô, đường sông và đường
biển trong việc phục vụ sản xuất và xây dựng của các xí nghiệp công nghiệp và
công trường trọng điểm.
Thương
nghiệp - Tài chính và tiền tệ:
- Tổng giá trị
hàng hóa mua vào bán ra của Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán.
- Giá trị và
khối luợng mua vào bán ra, tồn kho các loại hàng và mặt hàng chủ yếu.
- Tiến độ thu
mua lương thực và khối lượng bán ra.
- Chỉ số giá
cả hàng hóa bán lẻ của các loại hàng tiêu dùng chủ yếu ở các thị trường chính:
- Tổng giá trị
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, các loại hàng hóa chủ yếu xuất khẩu và nhập khẩu.
- Tổng số
thu, trong đó thuế và thu xí nghiệp, sự nghiệp, tổng số chi trong đó, chi kiến
thiết cơ bản và cấp phát vốn lưu động.
- Tình hình
huy động vốn và sử dụng vốn, tình hình quản lý tiền mặt của Ngân hàng.
Cung cấp vật
tư:
- Khối
lượng cung cấp, sử dụng, tồn kho các loại vật tư chủ yếu tại kho ngoại thương
và kho của các Bộ.
- Tồn kho vật
tư chủ yếu ở kho Bằng tường ở cảng Hải phòng
Lao động:
- Số nhân
viên trong danh sách, năng suất lao động của công nhân trong các xí nghiệp công
nghiệp và công trường trọng điểm.
III. THỜI
GIAN VÀ PHƯƠNG TIỆN GỬI BÁO CÁO
- Các chỉ
tiêu về nông nghiệp yêu cầu báo cáo từng 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày… đối với từng
loại chỉ tiêu và chỉ áp dụng trong các thời vụ sản xuất (sẽ có văn bản quy định
cụ thể riêng).
- Các chỉ
tiêu sản lượng sản phẩm chủ yếu, số nhân viên trong danh sách của các xí nghiệp
công nghiệp trọng điểm và các chỉ tiêu về tổng mức đầu tư thực hiện, khối lượng,
khối lượng lắp máy, khối lượng thi công cơ giới của các công trường trọng điểm
phải làm báo cáo nhanh bằng điện về tình hình thực tế thực hiện từng 10 ngày và
gửi thẳng về Bộ chủ quản và Tổng cục Thống kê vào những ngày 11, 21 và 1 hàng
tháng. Danh mục các xí nghiệp công nghiệp và công trường trọng điểm sẽ có bản
quy định cụ thể.
- Ngoài các
chỉ tiêu trên đây, các chỉ tiêu khác đều lấy báo cáo tháng thống nhất lấy số liệu
của 20 ngày đầu tháng ước tính thêm 10 ngày cuối tháng, và phải gửi đến Bộ chủ
quản trước ngày 25 bằng đường thư, đặc biệt những nơi xa tỉnh gửi công văn
không kịp thì phải dùng điện. Bộ chủ quản gửi đến Tổng cục Thống kê trước ngày
30 tháng báo cáo. Hết ngày cuối tháng nếu số liệu thực hiện chênh lệch nhiều
quá 1% so với số ước tính thì phải báo cáo điều chỉnh bằng điện, dưới 1% không
cần báo cáo điều chỉnh bằng điện mà chỉ cần làm báo cáo chính thức theo chế độ
báo cáo thống kê định kỳ đã ban hành.
- Ngoài các
báo cáo thống kê, các địa phương, đơn vị và các Bộ ở Trung ương phải làm báo
cáo phân tích đơn giản bằng lời văn giải thích rõ số liệu, nguyên nhân hoàn
thành hoặc không hoàn thành kế hoạch nêu lên những nhận xét chủ yếu về tình
hình trong thời kỳ báo cáo, nhận định những khó khăn trở ngại cùng triển vọng
trong thời gian tới.
- Các báo cáo
trên đây trước khi gửi đi đều phải do thủ trưởng cơ quan hoặc đơn vị báo cáo trực
tiếp thẩm tra ký tên và chịu trách nhiệm trước cấp trên và Chính phủ về tính chất
chính xác của các số liệu cùng những nhận xét trong báo cáo.
- Trên đây chỉ
nêu lên những chỉ tiêu chủ yếu và thời gian báo cáo còn về ý nghĩa, phạm vi,
phương pháp tính toán, phương pháp phân loại của các chỉ tiêu cũng như cách
trình các cột hàng trong biểu mẫu đều thống nhất theo những biểu mẫu báo cáo thống
kê định kỳ đã ban hành, các đơn vị báo cáo không được tùy tiện thay đổi.
- Tổng cục Thống
kê có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, các địa phương quán triệt chế độ báo cáo
trên đây đồng thời theo dõi đôn đốc các địa phương và các ngành thực hiện.
- Hàng tháng
chậm nhất cứ đến ngày 5 tháng sau, Tổng cục Thống kê phải làm báo cáo phân tích
tổng hợp về tình thực hiện kế hoạch Nhà nước trong tháng trước trình Trung ương
Đảng và Chính phủ đồng thời gửi Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Riêng các tháng 3, 6,
9 và 12 không phải làm báo cáo tháng mà làm chung với báo cáo quý, 6 tháng, 9
tháng và cả năm và chậm nhất là ngày 15 tháng đầu của quý sau phải có báo cáo.
- Các báo cáo
ước tính về tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm hoặc trong từng thời kỳ để
làm căn cứ cho việc xét duyệt các dự án kế hoạch hàng năm hoặc dài hạn đều do Ủy
ban Kế hoạch Nhà nước làm và trình Trung ương Đảng và Chính phủ.
- Để đảm bảo
tính chất chính xác và thống nhất trong việc so sánh và xác định mức độ hoàn
thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống
kê cùng các ngành có liên quan cần xúc tiến nghiên cứu và đi tới thống nhất quy
định về ý nghĩa, phạm vi, phương pháp tính toán và phương pháp phân loại của
các chỉ tiêu.
Đối với tất cả
những quy định trước đây không kể là do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hay Tổng cục
Thống kê ban hành nay cần xét lại: những quy định nào xét thấy phù hợp với tình
hình thực tế và những nguyên tắc tính toán thống nhất trong công tác thống kê
và kế hoạch ở các nước xã hội chủ nghĩa thì cần duy trì và thống nhất áp dụng,
trái lại, những quy định nào không phù hợp cần được sửa đổi trên cơ sở thảo luận
nhất trí giữa Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê và các ngành có liên
quan. Trong trường hợp này còn có sự khác biệt giữa các cơ quan trên đây về một
số quy định nào đó phải trình Thủ tướng Chính phủ xét định.