Quyết định 4306/QĐ-BYT năm 2015 về Kế hoạch Thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 4306/QĐ-BYT
Ngày ban hành 19/10/2015
Ngày có hiệu lực 19/10/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4306/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THÍ ĐIỂM TƯ VẤN XÉT NGHIỆM HIV TẠI CỘNG ĐỒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Website Bộ Y tế;
- Lưu:
VT, AIDS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM TƯ VẤN XÉT NGHIỆM HIV TẠI CỘNG ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4306/QĐ-BYT ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Đặt vấn đề

Tính đến 30/7/2015, toàn quốc có khoảng 227.000 người nhiễm HIV đang sống với HIV/AIDS, hơn 76.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên trong số người nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện HIV vẫn còn tỷ lệ đáng kể trùng lặp do người nhiễm HIV có xu hướng xét nghiệm lặp lại nhiều lần và sử dụng tên hoặc địa chỉ khác nhau, ước tính chỉ khoảng 200.000 người nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện HIV biết tình trạng HIV. Theo số ước tính hiện cả nước có khoảng 253.000 người nhiễm HIV, như vậy còn hơn 53.000 người chưa biết tình trạng HIV của họ. Đây là nguy cơ tiếp tục làm lây truyền HIV trong cộng đồng.

Hiện nay toàn quốc có trên 1100 cơ sở y tế triển khai tư vấn và xét nghiệm HIV, 98 phòng xét nghiệm khẳng định ở 61 tỉnh, thành phố. Hằng năm triển khai xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu mẫu xét nghiệm HIV, trong đó khoảng 28% số mẫu thực hiện qua hệ thống phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện cố định và tư vấn xét nghiệm HIV lưu động. Hệ thống tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện hằng năm phát hiện khoảng 15.000 lượt HIV dương tính, tuy nhiên số xét nghiệm các trường hợp dương tính lặp lại từ hệ thống phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện là khá lớn, ngoài ra các đối tượng xét nghiệm phần lớn là người không có nguy cơ cao, do đó tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm. Nguyên nhân của hiện tượng này, do các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện triển khai nhiều năm tại các địa bàn được triển khai hoạt động can thiệp giảm hại, nên số người nhiễm mới HIV đã giảm nhiều. Hiện hệ thống các phòng xét nghiệm tự nguyện chủ yếu tập trung tại các khu vực trung tâm, trong khi dịch HIV cao ở các xã vùng sâu, nơi có tệ nạn ma túy cao, khó kiểm soát và xa địa bàn trung tâm huyện.

Trong những năm vừa qua, số tuyên truyền viên đồng đẳng giảm, do đó thiếu người đồng cảnh giới thiệu chuyển gửi người có nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV, mặt khác tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử vẫn còn cao, nhận thức về lợi ích của xét nghiệm chẩn đoán sớm còn hạn chế, do đó nhiều người có nguy cơ lây nhiễm HIV không chủ động đi làm xét nghiệm HIV.

Trong những năm gần đây, các kỹ thuật xét nghiệm HIV ngày càng được cải thiện, chất lượng xét nghiệm ngày càng tốt hơn, kỹ thuật xét nghiệm HIV thực hiện đơn giản hơn như xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, kỹ thuật xét nghiệm bằng nước bọt, các điều kiện để thực hiện xét nghiệm cũng yêu cầu đơn giản hơn so với trước đây. Do đó một số nước đã sử dụng người làm xét nghiệm không chuyên thực hiện các xét nghiệm HIV đơn giản, cho kết quả ngay, như sử dụng nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng, sau đó chuyển gửi những người có kết quả phản ứng với xét nghiệm ban đầu đến cơ sở làm xét nghiệm khẳng định HIV. Mô hình này sử dụng nguồn nhân lực cộng đồng, tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao, hạn chế mất dấu, người được xét nghiệm có được thông tin về kết quả ban đầu trong vòng 30 phút và được tư vấn tham gia các dịch vụ tiếp theo. Ngoài ra mô hình này có thể tiếp cận được với các quần thể “khó tiếp cận” và ở các khu vực nơi mà việc tiếp cận với các dịch vụ y tế vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên mô hình này đòi hỏi sự thận trọng trong việc lựa chọn và đào tạo người xét nghiệm không chuyên đồng thời cần có sự giám sát và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên giữa cơ sở y tế và các tổ chức cộng đồng để đảm bảo chất lượng.

Trong bối cảnh kinh phí cắt giảm, các mô hình tư vấn xét nghiệm truyền thống ngày càng khó khăn, tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính thấp cần phải có những mô hình mới, cách làm mới để có thể phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn.

II. Mục tiêu

1. Góp phần làm tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của họ trong mục tiêu phát hiện 90% người nhiễm HIV vào năm 2020.

2. Đánh giá tính khả thi và tính chấp nhận của các mô hình xét nghiệm tại cộng đồng và dựa vào cộng đồng.

3. Xây dựng hướng dẫn tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

4. Tăng sự lựa chọn tự làm xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV.

III. Nội dung hoạt động

[...]