Quyết định 4279/QĐ-BTP năm 2011 về Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4279/QĐ-BTP
Ngày ban hành 17/11/2011
Ngày có hiệu lực 17/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4279/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06 tháng 8 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011;

Căn cứ Quyết định số 1681/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Ngoại giao (để phối hợp);
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Bộ Nội vụ (để phối hợp);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (để phối hợp);
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để chỉ đạo thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ HCTP.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4279/QĐ-BTP ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Trong những năm gần đây, với những cố gắng của hệ thống cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, sự phối hợp của các ngành liên quan đã tạo nên bước chuyển biến tích cực trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng một nền hành chính công minh bạch, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Thông qua việc quản lý hộ tịch của chính quyền các cấp đã giúp Nhà nước theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình. Hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch (kể cả văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch trong nước và hộ tịch có yếu tố nước ngoài) đã ngày càng được hoàn thiện và đã phát huy hiệu quả tích cực; tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch chỉ là Nghị định nên phải phụ thuộc vào văn bản cao hơn; mặt khác, các văn bản này còn nhiều và tản mát (có tới 05 Nghị định, 05 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch), điều này đã gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch khi áp dụng để giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân.

Ngày 06/8/2011, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết số 07/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Trong đó, Luật Hộ tịch đã được đưa vào chương trình chính thức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Ngày 27 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội; trong đó Luật Hộ tịch sẽ trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2012 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 8 năm 2012. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong quy trình xây dựng luật (khoản 1 Điều 33), Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch bao gồm các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI TỔNG KẾT

1. Mục đích tổng kết

Đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng công tác hộ tịch từ trước đến nay về thể chế và tổ chức thực hiện thể chế; rút ra những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong công tác hộ tịch để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hộ tịch, đồng thời tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, bảo đảm công tác đăng ký hộ tịch được chính xác, đầy đủ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng trong thời gian tới.

2. Yêu cầu tổng kết

Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, toàn diện ở tất cả các cấp (từ cấp xã đến cấp Trung ương) và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế khách quan, có phân tích, đánh giá sâu sắc; tránh làm theo kiểu thống kê, báo cáo thành tích. Mỗi cấp ở địa phương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi đánh giá phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình để đi sâu vào từng nội dung tổng kết (theo những nội dung liên quan hướng dẫn tại Mục II của Kế hoạch này); kết quả tổng kết phải xây dựng thành Báo cáo để gửi cấp trên; Việc tổng kết cần được tiến hành một cách bài bản, bảo đảm chất lượng, phục vụ đắc lực cho công tác xây dựng Luật Hộ tịch với những cải cách cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trong thời gian tới.

3. Phạm vi tổng kết

- Đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về hộ tịch (đánh giá mặt được, mặt chưa được của mô hình cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch; đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hộ tịch; đánh giá phương pháp đăng ký hộ tịch, lưu trữ sổ hộ tịch, cấp giấy tờ hộ tịch… theo quy định của pháp luật hộ tịch hiện hành);

- Đánh giá tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch từ khi ngành Tư pháp tiếp nhận công tác này từ năm 1987 đến nay (đánh giá những mặt đã đạt được; những hạn chế, tồn tại; những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp).

- Thống kê, đánh giá tình hình lưu sổ hộ tịch (trong đó tập trung vào 03 loại sổ: Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký khai tử) từ năm 1987 đến nay. Đối với những tỉnh, thành phố có những sổ hộ tịch từ trước năm 1987 đang lưu tại Sở Tư pháp và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là UBND cấp huyện) thì cũng báo cáo chung tình hình lưu các loại sổ này.

[...]