Quyết định 42/2012/QĐ-UBND về Đề án sử dụng nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm cô đỡ thôn bản đối với thôn thuộc xã miền núi, vùng khó khăn của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Số hiệu 42/2012/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/08/2012
Ngày có hiệu lực 25/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Võ Đại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2012/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 15 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN SỬ DỤNG NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN KIÊM NHIỆM CÔ ĐỠ THÔN BẢN ĐỐI VỚI CÁC THÔN THUỘC XÃ MIỀN NÚI, VÙNG KHÓ KHĂN CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án sử dụng nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm cô đỡ thôn bản đối với các thôn thuộc xã miền núi, vùng khó khăn của tỉnh đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1810/TTr-SYT ngày 08 tháng 8 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án sử dụng nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm cô đỡ thôn bản đối với các thôn thuộc xã miền núi, vùng khó khăn của tỉnh đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Đại

 

ĐỀ ÁN

SỬ DỤNG NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN KIÊM NHIỆM CÔ ĐỠ THÔN BẢN ĐỐI VỚI CÁC THÔN THUỘC XÃ MIỀN NÚI, VÙNG KHÓ KHĂN CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

CỞ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

1. Khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh:

Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 3.358km2, có 07 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố gồm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và 06 huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam. Cộng đồng dân cư gồm nhiều dân tộc: dân tộc Kinh chiếm 78,3%, dân tộc Chăm chiếm 11,1%, dân tộc Raglai chiếm 9,6%, còn lại là các dân tộc khác.

Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, có 1 huyện miền núi là Bác Ái cũng là huyện đặc biệt khó khăn có đến 96,6% là dân tộc ít người và 100% xã thuộc diện nghèo theo Chương trình 135 và là một trong 61 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a. Trong tổng số 65 xã, phường, thị trấn của tỉnh có 30 xã khó khăn (Bác Ái: 9/9 xã, Ninh Sơn: 6/8 xã, Thuận Bắc: 5/6 xã, Thuận Nam: 5/8 xã, Ninh Hải: 2/8 xã và Ninh Phước: 3/9 xã), trong đó có 21 xã đặc biệt khó khăn (16 xã miền núi và 5 xã bãi ngang).

Tại các xã miền núi, vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa bàn rộng, phong tục tập quán còn lạc hậu, hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế. Hiện nay, vẫn còn nhiều thôn thuộc xã miền núi của huyện Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc (Phước Bình, Phước Thành, Phước Kháng, Phước Trung, Ma Nới, …) đường sá đi lại khó khăn và phương tiện vận chuyển cấp cứu không đến tận nơi được gây chậm trễ trong việc xử lý kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

2. Tình hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên địa bàn tỉnh:

[...]