Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 419/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020

Số hiệu 419/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/02/2010
Ngày có hiệu lực 09/02/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Thanh Quán
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 419/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 09 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Công chứng và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Chỉ thị số 13/2007/CT-UBND ngày 03/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thi hành Luật Công chứng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 98/TTr-STP ngày 04/02/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020. Đề án quy hoạch phát triển Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là căn cứ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong quá trình phát triển và quản lý Tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn tỉnh theo định hướng xã hội hoá.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các Tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Quán

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 09/02/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý:

a) Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chỉ rõ “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng,…) theo hướng đáp ứng ngày càng đầy đủ, thuận lợi các nhu cầu đa dạng về hỗ trợ pháp lý của nhân dân, doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp…”;

b) Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 quy định: “hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng, chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”;

c) Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Theo đó, đã đưa ra chủ trương và định hướng xã hội hóa công chứng, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển các Văn phòng công chứng, hình thành mạng lưới phát triển tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng của nhân dân, tách bạch hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng, tăng cường sự bảo hộ của Nhà nước đối với các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân;

d) Tại khoản 1 và 4 Điều 2 Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định Sở Tư pháp xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

2. Thực trạng về tổ chức và hoạt động công chứng tỉnh Hưng Yên:

a) Về tổ chức, cán bộ:

Trong những năm qua, hoạt động công chứng ở tỉnh Hưng Yên đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường, đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Hưng Yên có 02 Phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp. Hiện cả hai Phòng công chứng đã được chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng, số lượng tổ chức hành nghề công chứng (là các Văn phòng công chứng) đã có sự phát triển, tăng nhanh về số lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, trong toàn tỉnh hiện có 03 Văn phòng công chứng được thành lập, với 03 công chứng viên.

Số tổ chức hành nghề công chứng được phân bố như sau:

- Đối với Phòng công chứng: 02 Phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp được phân bố tại thành phố Hưng Yên có 01 Phòng công chứng, huyện Mỹ Hào có 01 Phòng công chứng.

- Đối với Văn phòng công chứng: 03 Văn phòng công chứng đã được thành lập và mới đi vào hoạt động, trong đó huyện Yên Mỹ có 01 Văn phòng, huyện Mỹ Hào có 01 Văn phòng, huyện Văn Lâm có 01 Văn phòng.

[...]