BỘ
KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4009/QĐ-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2011-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số
28/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg
ngày 22/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực
Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số
2528/QĐ-BKHCN ngày 17/08/2011 và Biên bản Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công
nghệ thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học và công
nghệ giai đoạn 2011-2020 ngày 24/08/2011;
Xét Tờ trình của Vụ Tổ chức cán
bộ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Khoa học và Công nghệ
giai đoạn 2011-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Khoa học
và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm.
a) Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu của định hướng phát triển
khoa học và công nghệ các giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020; của Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
b) Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ vừa đảm bảo tính hài hòa về cơ cấu theo ngành, khu vực, vừa đảm bảo
theo hướng tập trung phát triển nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.
c) Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ vừa có tính chiến lược dài hạn, vừa có tính thường xuyên, liên tục,
phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.
d) Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ bảo đảm gắn liền với việc quản lý và sử dụng, trọng dụng nhân lực nhằm
phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của công chức, viên chức ngành khoa học và
công nghệ.
đ) Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu.
a) Mục tiêu tổng quát.
Xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa
học và công nghệ đủ về số lượng, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và dần tiếp
cận với trình độ các nước tiên tiến; có cơ cấu trình độ, ngành nghề và vùng miền
hợp lý; vừa đảm bảo quy hoạch chung về nhân lực cho toàn ngành khoa học và công
nghệ, vừa tập trung cho các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Đảm bảo nguồn lực thực
hiện định hướng phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, góp phần
thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
b) Mục tiêu cụ thể.
- Xác lập được các chỉ tiêu quy hoạch
đến 2015 và 2020 cho nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về khoa học và công
nghệ từ Trung ương đến địa phương; nhân lực khoa học và công nghệ tại các tổ chức
khoa học và công nghệ theo các lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học
tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học-y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ;
trong đó đưa ra được các chỉ tiêu quy hoạch nhân lực cụ thể cho các lĩnh vực
công nghệ ưu tiên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai
đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Các chỉ tiêu quy hoạch nhân lực
ngành khoa học và công nghệ đảm bảo hài hòa, thống nhất với các chỉ tiêu về
phát triển nhân lực trong Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn
2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Quy hoạch đội ngũ nhân lực khoa học
và công nghệ đảm bảo cân đối giữa đội ngũ quản lý nhà nước có đủ phẩm chất và
năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới với đội ngũ nhân lực trong các tổ chức khoa học
và công nghệ có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những
giải pháp phát triển khoa học và công nghệ trong nước đồng thời hội nhập theo
xu thế phát triển khoa học công nghệ chung của thế giới.
II. PHƯƠNG HƯỚNG
PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Đội ngũ nhân lực khối quản lý
khoa học và công nghệ.
a) Đội ngũ nhân lực làm công tác quản
lý nhà nước tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ làm công tác quản lý nhà nước tại Bộ Khoa học và Công nghệ đảm bảo tăng
trung bình 8%/năm: đạt trên 700 người vào năm 2015, trong đó trên 40% có trình
độ trên đại học; đến năm 2020 tăng lên trên 1.000 người, trong đó ít nhất 50%
có trình độ trên đại học.
b) Đội ngũ nhân lực làm công tác quản
lý nhà nước tại các Vụ Khoa học và Công nghệ các Bộ, ngành khác.
Đội ngũ nhân lực thuộc khối quản lý
nhà nước về khoa học và công nghệ ở các Bộ, ngành đảm bảo tăng trung bình
6%/năm: đạt khoảng 370 người vào năm 2015 trong đó trên 70% có trình độ trên đại
học; đến năm 2020 tăng lên khoảng 420 người, trong đó 72% có trình độ trên đại
học.
c) Đội ngũ nhân lực làm công tác quản
lý nhà nước tại các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương.
Đội ngũ nhân lực làm công tác quản
lý khoa học và công nghệ tại các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương đảm bảo tăng trung bình 3%/năm: đạt khoảng 3.320 người
vào năm 2015, trong đó trên 10% có trình độ trên đại học; đến năm 2020 tăng lên
khoảng 3.900 người, trong đó trên 15% có trình độ trên đại học.
2. Đội ngũ nhân lực khoa học và
công nghệ tại các tổ chức khoa học và công nghệ.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ trong các tổ chức khoa học và công nghệ đảm bảo tăng bình quân 15%/năm: đạt
trên 103.200 người đến năm 2015, trong đó trên 30% đạt trình độ trên đại học; đến
năm 2020 tăng lên khoảng 154.100 người, trong đó trên 35% có trình độ trên đại
học.
Trong đó đội ngũ nhân lực khoa học
và công nghệ chia ra:
a) Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân
văn.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đảm bảo tăng trung bình
8,5%/năm: đạt khoảng 9.000 người vào năm 2015, trong đó trên 35% có trình độ
trên đại học; đến năm 2020 tăng lên khoảng 12.200 người, trong đó trên 37% có
trình độ trên đại học.
b) Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên đảm bảo tăng trung bình 7%/năm: đạt trên
5.800 người vào năm 2015, trong đó trên 40% có trình độ trên đại học; đến năm
2020 tăng lên khoảng 7.400 người, trong đó có trên 42% có trình độ trên đại học.
c) Lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ
thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp đảm bảo tăng trung bình 13,5%/năm: đạt khoảng
26.000 người vào năm 2015, trong đó trên 25% có trình độ trên đại học; đến năm
2020 tăng lên khoảng 38.000 người, trong đó trên 27% có trình độ trên đại học.
d) Lĩnh vực Khoa học Y – Dược.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ thuộc lĩnh vực khoa học Y - Dược đảm bảo tăng trung bình 6%/năm: đạt khoảng
8.200 người vào năm 2015, trong đó trên 35% có trình độ trên đại học; đến năm
2020 tăng lên khoảng 10.500 người, trong đó trên 37% có trình độ trên đại học.
e) Lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và
Công nghệ.
Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ thuộc lĩnh vực khoa học Kỹ thuật và Công nghệ đảm bảo tăng trung bình
19%/năm: đạt khoảng 54.200 người vào năm 2015, trong đó trên 25% có trình độ
trên đại học; đến năm 2020 tăng lên khoảng 86.200 người, trong đó trên 28% có
trình độ trên đại học.
Trong lĩnh vực khoa học Kỹ thuật và
Công nghệ gồm một số lĩnh vực ưu tiên, năng lượng nguyên tử và một số lĩnh vực
khác, cụ thể như sau:
- Đội ngũ nhân lực công nghệ thông
tin đảm bảo tăng bình quân 20%/năm, đến năm 2015 đạt khoảng 3.900 người; đến
năm 2020 đạt khoảng 6.200 người.
- Đội ngũ nhân lực công nghệ sinh học
đảm bảo tăng bình quân 18%/năm, đến năm 2015 đạt khoảng 4.900 người; đến năm
2020 tăng lên khoảng 7.800 người.
- Đội ngũ nhân lực công nghệ vật liệu
đảm bảo tăng bình quân 18%/năm, đến năm 2015 đạt khoảng 4.500 người; đến năm
2020 tăng lên khoảng 6.800 người.
- Đội ngũ nhân lực công nghệ cơ khí
- tự động hóa đảm bảo tăng trung bình 20,5%/năm, đến năm 2015 đạt khoảng 13.600
người; đến năm 2020 tăng lên khoảng 21.100 người.
- Đội ngũ nhân lực khoa học và công
nghệ lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo tăng bình quân 24%/năm tăng, đến năm
2015 đạt khoảng 1.100 người; đến năm 2020 tăng lên khoảng 1.900 người.
III. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế,
chính sách.
a) Rà soát, đánh giá các cơ chế,
chính sách phát triển nhân lực đã ban hành và kiến nghị chỉnh sửa để đảm bảo
tính nhất quán, đồng bộ trong triển khai thực hiện Quy hoạch;
b) Tiếp tục thực hiện cơ chế đổi mới
hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới các chính sách phát triển nguồn nhân lực
khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và ban hành các chính sách
ưu đãi, thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ như về
môi trường làm việc, chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi đặc thù, điều kiện
sinh hoạt; trong đó chú trọng chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất
lượng cao;
c) Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản
lý phát triển nhân lực ngành khoa học và công nghệ, đổi mới phương pháp quản
lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về nhân lực
khoa học và công nghệ nhất quán từ trung ương đến địa phương. Xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu về hệ thống tổ chức và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên
phạm vi cả nước, đảm bảo nguồn nhân lực đóng góp cho các mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội.
2. Đào tạo nguồn nhân lực.
a) Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống
cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: nâng cấp
Trường Quản lý Khoa học và công nghệ thành Học viện Quản lý Khoa học và Công
nghệ; Mở rộng hình thức đào tạo tiến sỹ cho Viện Chiến lược và Chính sách
KH&CN; Thành lập Trung tâm đào tạo thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt
Nam; mở rộng quy mô, loại hình đào tạo tại Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng,
Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thông tin KH&CN quốc gia;
b) Bổ sung, nâng cấp, xây dựng mới
các chương trình đào tạo, bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chất
lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ
cho đội ngũ nhân lực làm quản lý khoa học và công nghệ ở trung ương và địa
phương, đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên
tử, sở hữu trí tuệ, đo lường-tiêu chuẩn-chất lượng và cán bộ nghiên cứu trong
các tổ chức khoa học và công nghệ;
c) Tham gia và phối hợp chặt chẽ với
Bộ Giáo dục-Đào tạo và các Bộ quản lý chuyên ngành trong xây dựng các đề án đào
tạo trình độ đại học và sau đại học cung cấp nguồn nhân lực bổ sung, tăng cường
cho nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đảm bảo cơ cấu ngành, lĩnh vực và
vùng miền. Trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao bổ
sung cho các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên như công nghệ thông tin, công
nghệ sinh học, công nghệ cơ khí-tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và năng lượng
nguyên tử;
d) Xây dựng các đề án phát triển loại
hình đào tạo mới như đào tạo theo e-kíp, nhóm nghiên cứu tại các cơ sở trong nước
và nước ngoài để tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu sử dụng
trong nước;
e) Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc
tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học công nghệ:
- Tiếp tục duy trì và tăng cường đầu
tư chi phí đào tạo bậc đại học và sau đại học từ ngân sách nhà nước, có chính
sách ưu tiên gửi đi đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao ở các nước phát triển.
- Mở rộng phương thức đào tạo trong
nước có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài không chỉ ở các Trường đại học
mà cả ở các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ đầu ngành.
- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song
phương, đa phương trong hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh
nghiệm cho nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
- Thu hút các nguồn vốn từ nước
ngoài (ODA, FDI…) đầu tư tiềm lực cho các cơ sở đào tạo nhân lực khoa học và
công nghệ.
3. Đảm bảo kinh phí cho phát triển
nhân lực khoa học và công nghệ.
Căn cứ vào nhu cầu phát triển nhân
lực, dự báo nhu cầu kinh phí đảm bảo cho phát triển nguồn nhân lực giai đoạn
2011-2020 là 15.900 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ là
5.400 tỷ đồng, kinh phí đầu tư xây dựng, trang thiết bị phục vụ đào tạo là
10.500 tỷ đồng.
Tổng số kinh phí trên được huy động
từ các nguồn: 60% là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, 20% từ nguồn nước
ngoài (ODA, FDI), 20% là từ nguồn vốn xã hội khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN QUY HOẠCH
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì
tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và
công nghệ giai đoạn 2011-2020.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp
với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai các nội dung có liên quan cụ
thể như sau:
a) Với Bộ Giáo dục và Đào tạo: xây
dựng danh mục các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ đối với đội
ngũ nhân lực khoa học và công nghệ. Bổ sung nội dung vào Chương trình mục tiêu
quốc gia về giáo dục-đào tạo giai đoạn 2011-2015 và 2006-2020, báo cáo Chính phủ
và Quốc hội.
b) Với Bộ Nội vụ: tổ chức thực hiện
hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên
chức ngành khoa học và công nghệ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính
sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho đội ngũ nhân lực
khoa học và công nghệ.
c) Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: cân đối,
bố trí nguồn vốn để thực hiện các đề án mục tiêu phát triển nguồn nhân lực khoa
học và công nghệ theo kế hoạch 5 năm và hàng năm; Tổng hợp sơ kết, tổng kết kết
quả triển khai thực hiện quy hoạch hàng năm, 5 năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Với Bộ Tài chính: xây dựng các
thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện các đề án mục tiêu thực hiện quy
hoạch; nghiên cứu sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách về tài chính trong phát triển
nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
đ) Với các Bộ, Ngành khác: xây dựng
các đề án mục tiêu và triển khai tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển nguồn
nhân lực khoa học và công nghệ chuyên ngành phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực
chung và đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ chuyên ngành theo các
lĩnh vực.
e) Với Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam: xây dựng các nội dung, chương trình để giới thiệu, phổ
biến về hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù
hợp với từng đối tượng trong xã hội.
g) Với Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương: tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo phát
triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng (để b/c);
- Phó TTCP Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam;
- Bộ trưởng và các đ/c Thứ trưởng Bộ KH&CN;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu VT, TCCB.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Quân
|