ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/2015/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày 11
tháng 08 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BẢO TÀNG NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật
Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định
số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày
31/12/2010 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du
lịch quy định về tổ chức và hoạt động của
Bảo tàng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 196/TTr-SVHTTDL
ngày 22/01/2015, Công văn số 1883/SVHTTDL-TCCB ngày 07/7/2015 và Giám đốc Sở
Nội vụ tại Tờ trình số 100/TTr-SNV ngày 11/5/2015.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng:
1. Bảo tàng Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu khoa học; sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu,
hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu,
hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi
vật thể, giáo dục truyền thống và các hoạt động dịch vụ khác của Bảo tàng theo
quy định của pháp luật.
2. Bảo tàng Nghệ An có tư cách pháp nhân, có con
dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện trực tiếp của Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Trụ sở của
Bảo tàng Nghệ An: Số 07, đường Đào Tấn,
Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Hoạt động nghiên cứu khoa học:
a) Hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng được
thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các
chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.
Hoạt động nghiên cứu
khoa học phải gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để phục vụ
công chúng và góp phần phát triển lý luận bảo tàng học.
b) Bảo tàng được liên kết
với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài
nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến
hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa
phi vật thể.
a) Sưu tầm, tư liệu hóa
tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi
vật thể ở trong và ngoài nước phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt
động của bảo tàng.
b) Tổ chức việc
sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật
và di sản văn hóa phi vật thể thông qua
các phương thức sau đây:
- Khảo sát điền dã sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi
vật thể;
- Khai quật khảo cổ;
- Tiếp nhận tài liệu, hiện vật do tổ chức, cá nhân
chuyển giao, hiến tặng:
- Mua trao đổi tài liệu, hiện vật với tổ chức, cá
nhân. Việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu,
hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể
phải tuân theo các quy định của pháp luật
hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
c) Tài liệu, hiện vật của bảo tàng được chuyển
giao, thanh lý, hủy trong các trường hợp
sau:
- Không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung
hoạt động của bảo tàng;
- Bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi;
- Được xác định gây hại cho con người và môi trường;
- Được xác định không chính xác về lịch sử, văn hóa,
khoa học;
- Được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức
nghề nghiệp;
- Được xác định nguồn gốc bất hợp pháp.
Căn cứ ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học của Bảo
tàng và quy định pháp luật có liên quan, Giám đốc Bảo tàng đề nghị người đứng
đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp
của bảo tàng quyết định việc chuyển giao thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật.
3. Hoạt động kiểm kê.
a) Tổ chức kiểm
kê tài liệu, hiện vật theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng ban hành kèm theo
Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng
9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
b) Hồ sơ kiểm kê tài liệu, hiện vật được lập, quản
lý ổn định, lâu dài; được lưu trữ bằng công nghệ thông tin.
4. Hoạt động bảo quản
a) Hoạt động bảo quản tài liệu, hiện vật bao gồm:
- Sắp xếp tài liệu, hiện vật và tổ chức kho để bảo
quản;
- Lập hồ sơ về hiện trạng tài liệu, hiện vật và môi
trường bảo quản;
- Tổ chức việc bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị
liệu, phòng chống tai họa, rủi ro cho tài liệu hiện vật.
b) Việc bảo quản phải được thực hiện với mọi tài
liệu, hiện vật khi trưng bày, khi lưu giữ trong kho và khi đưa ra ngoài bảo
tàng.
c) Việc bảo quản tài liệu, hiện vật phải tuân thủ
quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản
và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến tài liệu hiện
vật.
5. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới
thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
a) Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới
thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo
tàng bao gồm:
- Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng;
- Trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài
nước;
- Tổ chức giới
thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
b) Trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di
sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm:
- Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt
động của bảo tàng;
- Chú trọng trưng bày tài liệu, hiện vật gốc;
- Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện
vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di
sản văn hóa phi vật thể;
- Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng,
chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham
quan;
- Bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải
chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng;
- Thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh,
an toàn cho tài liệu hiện vật, khách tham quan;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ
chính trị, trật tự an toàn xã hội.
6. Hoạt động giáo dục.
a) Hoạt động giáo dục của bảo tàng gồm:
- Hướng dẫn tham quan;
- Tổ chức chương trình giáo dục;
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện
chuyên đề;
- Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục
của bảo tàng.
b) Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp
với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng.
c) Chương trình
giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và
hưởng thụ văn hóa của công chúng.
7. Hoạt động truyền thông
a) Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:
- Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại
chúng;
- Tổ chức chương
trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa
hoạt động của bảo tàng;
- Tổ chức lấy
ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt
động bảo tàng;
- Xây dựng mạng lưới tổ
chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong
và ngoài nước.
b) Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp
với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy
định của pháp luật có liên quan.
8. Hoạt động dịch vụ
a) Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:
- Tổ chức dịch
vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác;
- Tổ chức phát
triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm
của bảo tàng;
- Tổ chức các
sự kiện văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch;
- Cung cấp thông tin, tư liệu;
- Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;
- Giám định, thẩm định di vật, cổ vật, bảo vật quốc
gia;
- Bảo quản, phục hồi, làm bản sao tài liệu, hiện
vật;
- Hợp tác khai quật khảo cổ;
- Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo
tàng.
b) Bảo tàng được liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển
khai thực hiện các hoạt động dịch vụ quy định tại điểm a khoản 8 Điều này phù
hợp với quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa và các quy
định khác có liên quan nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, tham quan, hưởng
thụ văn hóa của công chúng.
Điều 3. Tổ chức bộ máy, biên chế,
số lượng người
làm việc:
1. Lãnh đạo Bảo tàng gồm: Giám đốc và không quá 02
Phó Giám đốc.
a) Giám đốc là người đứng đầu Bảo tàng, chịu trách
nhiệm trước pháp luật; Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch về toàn bộ hoạt động của Bảo tàng.
b) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc; chỉ đạo
thực hiện một số mặt công tác khi được Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm
trước pháp luật và Giám đốc về các nhiệm vụ được phân công.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân
chuyển, khen thưởng, kỷ luật, từ chức, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách đối
với Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo tàng thực hiện theo quy định của Pháp luật và
phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện hành.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
b) Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm;
c) Phòng Kiểm kê - Bảo quản;
d) Phòng Trưng bày - Tuyên truyền và Giáo dục;
3. Biên chế:
a) Biên chế, số lượng người làm việc (kể cả hợp
đồng lao động) của Bảo tàng Nghệ An được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm,
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu chức danh, vị trí việc làm
theo quy định và tình hình điều kiện thực tế về khả năng ngân sách của đơn vị.
b) Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức,
viên chức và hợp đồng lao động của Bảo tàng thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.
Điều 4. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Chánh Văn phòng UBND
tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa Thể thao
và Du lịch, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Giám đốc Bảo
tàng Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Văn hóa TT&DL, Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND;
- Các Phó VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học Công báo;
- CV: VX;
- Lưu: VT, TH;
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|