Quyết định 394/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tỉnh Điện Biên

Số hiệu 394/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/02/2024
Ngày có hiệu lực 26/02/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Vừ A Bằng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 394/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 26 tháng 02 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH “THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 278/TTr-SYT ngày 07 tháng 02 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tỉnh Điện Biên với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Việc triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị; đổi mới tư duy của công chức, viên chức trong ngành y tế nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh. Tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

1.2. Yêu cầu

Kế hoạch phải bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chiến lược và các chủ trương, định hướng, chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; phát huy được thế mạnh nguồn nhân lực sẵn có; triển khai thường xuyên, lâu dài, có tính kế thừa và đổi mới.

Việc triển khai thực hiện Chiến lược phải được lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện chặt chẽ của các cấp, ngành; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, mang tính khả thi; gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển tổng thể ngành dược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển ngành y tế theo từng giai đoạn, nhằm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương, chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa; phát triển dược liệu; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc; từ đó góp phần cho ngành y tế Điện Biên thực hiện thành công chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2030

Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam tính theo giá trị tiền thuốc sử dụng: Tuyến tỉnh đạt 60%; tuyến huyện (bao gồm cả sử dụng thuốc tại trạm y tế xã) đạt 75%.

Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở kinh doanh thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs).

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc" (GLP).

Duy trì 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ "Thực hành tốt bảo quản thuốc" (GSP).

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày.

100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc đảm bảo kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

[...]