QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định tiêu chuẩn về tuổi đời,
trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận
chính trị, kiến thức bổ trợ và các tiêu chuẩn mang tính chuyên ngành khác của
cán bộ và công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Quy định này là cán bộ,
công chức cấp xã theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm: Bí thư, Phó Bí
thư Đảng ủy (hoặc Thường trực Đảng ủy đối với nơi không bố trí Phó Bí thư
chuyên trách công tác Đảng); Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bí thư
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch,
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các chức
danh công chức gồm: Văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi
trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và
môi trường (đối với xã), tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội;
Trưởng Công an xã (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) và Chỉ huy trưởng
Quân sự cấp xã.
Điều 3. Tiêu chuẩn chung
Cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng những tiêu
chuẩn chung sau đây:
1. Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động Nhân
dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa
phương.
2. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,
công tâm, thạo việc, tận tụy với dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và
kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có ý thức kỷ luật trong công
tác; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tín
nhiệm.
3. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính
trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có
trình độ giáo dục phổ thông, chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực và sức khỏe để
làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
4. Đảm bảo còn trong độ tuổi lao động theo quy định
của pháp luật về lao động (trừ chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt
Nam và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam).
Điều 4. Tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức cấp xã là căn cứ để các
địa phương thực hiện công tác đánh giá, quy hoạch, kế hoạch bầu cử, tuyển dụng,
sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xếp lương, nâng bậc lương, giải quyết chính sách
thôi việc và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức cấp xã, đảm
bảo yêu cầu phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Điều 5. Trong trường hợp đặc biệt, do thiếu cán bộ và đối với những
trường hợp có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu cần bố trí của tổ chức
thì tiêu chuẩn về tuổi đời có thể áp dụng ở mức cao hơn nhưng tối đa không quá
02 tuổi so với độ tuổi theo Quy định này và phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác
theo chức danh đã quy định.
Điều 6. Cán bộ, công chức cấp xã ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn
theo Quy định này, phải đảm bảo các tiêu chuẩn mang tính chuyên biệt theo quy định
của ngành (như: Cán bộ là Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội phải đáp ứng
các tiêu chuẩn được quy định tại điều lệ của tổ chức; công chức là Trưởng Công
an, Chỉ huy trưởng Quân sự phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của ngành
công an, quân sự).
Chương II
TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI
CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Mục 1. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI
VỚI CÁN BỘ CẤP XÃ
Điều 7. Tiêu chuẩn đối với
chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng
nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tuổi đời: Không quá 45 tuổi đối với nam và
không quá 40 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
2. Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung
học phổ thông.
3. Lý luận chính trị: Tốt nghiệp cao cấp lý luận
chính trị hoặc cử nhân chính trị đối với các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ
tịch HĐND, Chủ tịch UBND. Riêng đối với các chức danh: Thường trực Đảng ủy, Phó
Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở
lên.
4. Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học trở
lên.
5. Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở
lên; sau khi bầu cử giữ chức vụ lãnh đạo, phải được bồi dưỡng nghiệp vụ công
tác phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm như: Bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng Đảng,
quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế, kiến thức quốc phòng - an ninh, kỹ
năng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu là đại biểu HĐND); đối với cán bộ
công tác ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thì
phải biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó trong
hoạt động công vụ.
Điều 8. Tiêu chuẩn đối với
chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân
Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã
1. Tuổi đời:
a) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần
đầu.
b) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Không
quá 60 tuổi khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
c) Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Không quá 30 tuổi khi tham gia giữ chức vụ lần đầu và giữ chức vụ đến không quá
35 tuổi.
d) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Không quá 50
tuổi đối với nam, không quá 45 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
đ) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Không
quá 45 tuổi khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
2. Trình độ giáo dục phổ
thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông.
3. Lý luận chính trị: Tốt nghiệp
trung cấp lý luận chính trị trở lên.
4. Trình độ chuyên môn: Bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm trở lên.
5. Phải biết sử dụng tin học trong xử lý công việc;
sau khi được bầu cử giữ chức vụ phải được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ
chuyên môn phù hợp với chức danh lãnh đạo đang đảm nhiệm (như: Bồi dưỡng công
tác thanh vận đối với Bí thư Đoàn thanh niên; bồi dưỡng công tác phụ vận đối với
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận
tổ quốc; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội Nông dân, cán bộ Hội Cựu
chiến binh). Ngoài ra, trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, các cán bộ nêu trên
phải được bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng, quản lý hành chính Nhà
nước, quản lý kinh tế, kiến thức quốc phòng - an ninh, kỹ năng hoạt động đại biểu
Hội đồng nhân dân (nếu là đại biểu HĐND), kiến thức về công tác dân vận nói
chung và kiến thức chuyên ngành khác phục vụ nhu cầu công việc; đối với cán bộ
công tác ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thì
phải biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó trong
hoạt động công vụ.
Mục 2. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI
VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 9. Tiêu chuẩn của công
chức tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và
môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng
và môi trường (đối với xã), văn phòng - thống kê, văn hóa - xã hội cấp xã
1. Độ tuổi: Người đủ 18 tuổi trở lên nếu đáp ứng
đủ các tiêu chuẩn tuyển dụng thì được tham gia dự tuyển vào công chức cấp xã
theo quy định.
2. Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung
học phổ thông.
3. Lý luận chính trị: Trong thời hạn 03 năm kể từ
khi có quyết định bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức thì công chức đó phải
có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Cơ quan tuyển dụng
công chức cấp xã (UBND cấp huyện và UBND cấp xã) có trách nhiệm đề xuất cấp ủy
có thẩm quyền cử công chức cấp xã đi đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính
trị.
4. Trình độ chuyên môn
Đối với những trường hợp công chức thuộc diện
đang công tác (đã được tuyển dụng, qua thời gian tập sự và được bổ nhiệm chính
thức vào ngạch công chức trước thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành) phải
tốt nghiệp trung cấp chuyên môn trở lên và công chức thuộc diện tuyển mới (tuyển
dụng sau thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành) phải tốt nghiệp cao đẳng
chuyên môn trở lên các chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác đang đảm nhiệm
hoặc vị trí công tác cần tuyển dụng, cụ thể như sau:
a) Đối với công chức tài chính - kế toán: Phải tốt
nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các nhóm ngành: Tài chính, tài chính - ngân hàng,
kế toán, kiểm toán.
b) Đối với công chức tư pháp - hộ tịch: Phải tốt
nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các nhóm ngành: Luật, kinh tế - luật, quản trị -
luật, hành chính, kiểm sát.
c) Đối với công chức địa chính - xây dựng - đô
thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây
dựng và môi trường (đối với xã): Phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các
nhóm ngành: Địa chính, quản lý đất đai, trắc địa, đo đạc - bản đồ, địa chất, kỹ
thuật môi trường, khoa học môi trường, quản lý môi trường, xây dựng, quy hoạch
đô thị, kiến trúc, nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn, công nghệ sinh học,
công nghệ sinh học - môi trường.
d) Công chức văn phòng - thống kê: Phải tốt nghiệp
cao đẳng trở lên thuộc các nhóm ngành: Hành chính, luật, kinh tế, quản trị văn
phòng, thư ký văn phòng, quản trị nhân lực, văn thư, lưu trữ, thống kê, công
nghệ thông tin, hệ thống thông tin quản lý, xã hội học, công tác xã hội, quan hệ
công chúng, quan hệ Quốc tế, chính sách công, ngữ văn, báo chí, lịch sử, chính
trị học, giáo dục chính trị, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước hoặc tốt
nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và
nhân văn.
đ) Công chức văn hóa - xã hội: Phải tốt nghiệp
cao đẳng trở lên thuộc các nhóm ngành: Luật, hành chính, các ngành thuộc lĩnh vực
văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, quản lý giáo dục, quản lý y tế, quản trị
nhân lực, xã hội học, công tác xã hội, quan hệ công chúng, quan hệ Quốc tế,
chính sách công, báo chí, xuất bản, chính trị học, giáo dục chính trị, xây dựng
Đảng và chính quyền Nhà nước, tâm lý học, triết học, ngữ văn, lịch sử, du lịch,
bảo hộ lao động, quan hệ lao động, bảo hiểm và các chuyên ngành khác thuộc lĩnh
vực khoa học xã hội và nhân văn.
5. Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở
lên; sau khi được tuyển dụng trong thời hạn 02 năm phải được cử đi học lớp bồi
dưỡng kiến thức quản lý hành chính Nhà nước phù hợp với ngạch đang giữ và trong
thời hạn 03 năm phải được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn phù
hợp với chức danh công chức đang đảm nhiệm, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an
ninh, kỹ năng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu là đại biểu HĐND), kiến
thức về công tác dân vận; đối với công chức công tác ở những vùng có đông đồng
bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thì phải biết sử dụng tiếng dân tộc
thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó trong hoạt động công vụ.
Điều 10. Tiêu chuẩn của
công chức là Trưởng Công an (đối với xã, thị trấn nơi chưa bố trí lực lượng
công an chính quy) và Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã
1. Độ tuổi: Thực hiện theo quy định của Luật Cán
bộ, công chức hiện hành và quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành của
ngành công an và quân sự.
2. Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung
học phổ thông.
3. Lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp lý luận
chính trị trở lên.
4. Trình độ chuyên môn
a) Đối với Trưởng Công an: Tốt nghiệp Trung cấp
An ninh, Trung cấp Cảnh sát trở lên hoặc tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên
các chuyên ngành thuộc nhóm ngành công an nói chung (như: Điều tra hình sự; điều
tra trinh sát; kỹ thuật hình sự; quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; quản lý,
giáo dục và cải tạo phạm nhân,...) hoặc tốt nghiệp Đại học Luật.
b) Đối với Chỉ huy trưởng Quân sự: Tốt nghiệp
trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở trở lên.
5. Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở
lên; sau khi được tuyển dụng, bổ nhiệm phải được cử đi học lớp bồi dưỡng kiến
thức quản lý hành chính Nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với
chức danh công chức đang đảm nhiệm, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, kỹ
năng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu là đại biểu HĐND); đối với công
chức công tác ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập
trung thì phải biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác
đó trong hoạt động công vụ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, tổ
chức thanh, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; đồng thời theo dõi tình hình
thực hiện và tổng hợp số liệu cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn, không đạt chuẩn
trong phạm vi toàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm.
Điều 12. Ban Dân tộc tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ và
các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể về nội dung quy định đối với
cán bộ, công chức công tác ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh
sống tập trung thì phải biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn
công tác đó trong hoạt động công vụ; đồng thời tham mưu thực hiện công tác bồi
dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức cấp xã để đạt chuẩn theo quy
định.
Điều 13. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã có trách nhiệm tổ chức
triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương mình quản lý. Hàng năm, UBND cấp
huyện tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Quy định này, danh sách cán bộ,
công chức cấp xã đạt chuẩn, không đạt chuẩn theo Quy định này gửi UBND tỉnh và
Sở Nội vụ để theo dõi, quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng
mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.