Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 3871/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”

Số hiệu 3871/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/10/2022
Ngày có hiệu lực 14/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3871/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIỚI THIỆU VÀ BIỂU DIỄN CÁC VỞ DIỄN ĐƯỢC CHUYỂN THỂ TỪ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI CÓ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022 - 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội;

Căn cứ Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 05/11/2021 của UBND Thành phố về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 539/TTr-SVHTT ngày 14/9/2022 về việc phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” (Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- VPUB: PCVP P.T.T Huyền, K.TTH, KGVX, TH;
- Lưu: VT, KGVX(15b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

ĐỀ ÁN

GIỚI THIỆU VÀ BIỂU DIỄN CÁC VỞ DIỄN ĐƯỢC CHUYỂN THỂ TỪ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI CÓ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3871/QĐ-UBND ngày 14/10/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

MỞ ĐẦU

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đưa tới thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI của Đảng (Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cụ thể cần tập trung giải quyết, đó là: Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho Nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 04/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật kịch nói và ca kịch truyền thống có thế mạnh là phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực, sâu sắc và trực tiếp nhất, do đó có điều kiện và khả năng đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ quan trọng.

Xuất phát từ nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của đơn vị nghệ thuật đối với quá trình thực hiện tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho Nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên,... trong đó có đối tượng tuổi trẻ học đường, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”.

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG VÀ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Trong thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa, Giáo dục tích cực phối hợp tổ chức các chương trình hành động nhằm tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI của Đảng (Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó có nhiệm vụ hàng đầu là: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trong Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 10/10/2014 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các ngành, các cấp cần phát huy tối đa các nguồn lực để Thủ đô thực sự là trung tâm lớn hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục. Theo đó, cần thực hiện xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Triển khai nhiệm vụ này, hai ngành: Văn hóa và Giáo dục cần gắn kết cùng nhau trong việc tổ chức các hoạt động thực tiễn. Những hoạt động liên ngành này sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trên Thành phố, vừa trực tiếp góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Việc xây dựng và triển khai Đề án này sẽ mở ra một hình thức học tập mở, hấp dẫn các đối tượng học sinh, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu để góp phần truyền đạt tới các em những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, cùng một số tác phẩm kinh điển khác, giúp các em được mở mang những tri thức cần thiết, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống của học sinh.

2. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đa dạng và hấp dẫn của các phương thức truyền thông, các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đã và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật biểu diễn mới được du nhập từ nước ngoài, của các chương trình, hình thức nghệ thuật được chuyển tải qua các phương tiện nghe, nhìn hiện đại và mạng Internet. Mặc dù các đơn vị nghệ thuật đã tích cực đổi mới, sáng tạo qua việc xây dựng các vở diễn và hình thức tổ chức biểu diễn nhưng việc thu hút khán giả đến với các chương trình nghệ thuật sân khấu vẫn ngày càng khó khăn. Thực trạng này có nguyên nhân từ việc chất lượng nội dung và nghệ thuật của các vở diễn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng nhưng cũng có nguyên nhân từ việc cần quan tâm bồi dưỡng, giáo dục nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ cho công chúng hơn nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ cần được tiếp cận tốt hơn những giá trị đích thực của nghệ thuật sân khấu, từ đó yêu mến, thường xuyên đến với nghệ thuật sân khấu. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng của vở diễn, ngành Văn hóa, Giáo dục, trước hết là các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cần có kế hoạch và giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ khán giả tiềm năng cho nghệ thuật sân khấu đồng thời tìm tòi các tài năng trẻ, trong đó đối tượng ưu tiên hàng đầu là tuổi trẻ học đường.

3. Xuất phát từ những kết quả đạt được của Dự án Sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2001-2010. Đây là dự án quan tâm đến đối tượng người xem rất trẻ là các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Người xem được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống qua các buổi biểu diễn chọn lọc của các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp trong các trích đoạn tiêu biểu để giới thiệu những nét tiêu biểu, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống (đào tạo khán giả). Sau đó, các học sinh có năng khiếu được tuyển chọn tham gia một khóa đào tạo ngắn ngày, chủ yếu là tập biểu diễn một số trích đoạn chọn lọc (đào tạo nghệ sĩ sân khấu). Giai đoạn cuối của dự án là trang bị một số thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ các chương trình biểu diễn nghệ thuật cho các trường trực tiếp có học sinh tham gia. Trong 10 năm, khoảng hơn 2.000 học sinh tại 90 trường học ở 32 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được tiếp cận tinh hoa nghệ thuật truyền thống bằng hình thức này. Dự án sân khấu học đường bước đầu đã gây được ảnh hưởng lớn trong các trường THPT, THCS và được sự ủng hộ của dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các em học sinh từ không hiểu, không thích đã hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc nhiều hơn, tạo cho các em có sân chơi bổ ích, có cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, vui khỏe, lạc quan để học tập tốt và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông.

Tuy nhiên, Dự án còn một số nhược điểm như việc triển khai các loại hình sân khấu nghệ thuật ở mỗi địa phương chưa xây dựng thành chuỗi chương trình thống nhất, bài bản; nguồn kinh phí hạn hẹp nên số lượng buổi diễn cũng bị giới hạn,.... Để tiếp tục duy trì Dự án cần có sự phối kết hợp, tạo điều kiện chặt chẽ, có lộ trình từ các cơ quan, đơn vị có liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường, Nhà hát.

[...]