Quyết định 3859/QĐ-BGDĐT năm 2006 về Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3859/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 28/07/2006
Ngày có hiệu lực 28/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3859/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo Bộ và các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng và thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ, giám đốc các Sở giáo dục và đào tạo, giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường phổ thông và cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chủ tịch nước (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội (để b/c);
- Ban KGTW, TT-VH TW (để b/c);
- BBT TW Đoàn TNCS HCM (để phối hợp);
- Đài THVN, các báo, đài (để phối hợp);
- Công đoàn GD VN (để phối hợp);
- Lưu VT; TH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT  ngày 28 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. Mục đích và ý nghĩa:

-Tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là hai vấn đề bức xúc nhất hiện nay mà xã hội và bản thân các thầy cô giáo đòi hỏi ngành giáo dục phải có giải pháp khắc phục quyết liệt.Với sự đồng lòng của lãnh đạo ngành và các thầy cô giáo, của các em học sinh, sinh viên, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và các đoàn thể chính trị xã hội, sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp và từ thực tiễn chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích có kết quả của nhiều địa phương, chúng ta có khả năng tổ chức thắng lợi cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Kết quả của cuộc vận động sự lập lạai kỷ cương trong dạy và học, sự khuyến khích mạnh mẽ sức sáng tạo của các thầy cô - là các tiền đề mới rất quan trọng để triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục và yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo, nâng cao đời sống của thầy, cô giáo.

- Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được xác định là khâu đột phá của năm học 2006-2007 để toàn ngành giáo dục – đào tạo cả nước tự khẳng định, đổi mới vì sự phát triển của đất nước, của ngành, vì sự nghiệp và cuộc sống của mỗi thầy, cô giáo, theo tinh thần và nhiệm vụ mà các nghị quyết số 40 và 41 của Quốc hội khoá X và Nghị quyết số 37 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và luật giáo dục năm 2005.

- Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” chính là một sự cụ thể hóa yêu cầu “dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đang được triển khai trong các nhà trường hiện nay.

- Từ khâu đột phá “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ” sẽ tạo nên những bước phát triển mới như một quá trình tự nhiên, tất yếu, phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn đang tồn tại hiện nay, đưa giáo dục nước ta phát triển lành mạnh, bền vững và từng bước hội nhập quốc tế.

II. Yêu cầu:

1. Khơi dậy và phát huy niềm tự hào và tự trọng nghề nghiệp của mỗi thầy, cô giáo, khẳng định trách nhiệm và sứ mạng vẻ vang của ngành giáo dục, của mỗi nhà trường và thầy, cô giáo trước tương lai của đất nước trong việc tạo ra nguồn vốn lớn nhất và quý nhất để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thế kỷ 21 - đó là hàng chục triệu thanh niên Việt Nam, có tri thức và kỷ năng cần thiết, biết chung sống và làm việc theo pháp luật, có khả năng tự học suốt đời và lao động sáng tạo, có bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh, sinh viên về tương lai của chính mình, trách nhiệm lớn lao của gia đình đối với sự phát triển và tương lai của con em mình, thống nhất nhận thức trong toàn xã hội: chống gian dối trong học tập, thi cử; học tập và rèn luyện để có năng lực thực chất là con đường tốt nhất để chuẩn bị cho các em vào đời, làm người, có nghề.

Phát hiện và biểu dương các địa phương, các trường, các thầy cô giáo đã chủ động chống tiêu cực trong thi cử và không chấp nhận bệnh thành tích trong giáo dục.

2. Phát huy sáng kiến, chủ động của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô giáo và mỗi địa phương trong việc tổ chức các phong trào thi đua thiết thực nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi học sinh, sinh viên, mỗi trường, mỗi địa phương; góp phần vào sự phát triển của toàn ngành và cả nước.

3. Khuyến khích và khai thác tối đa các nguồn lực của mọi lực lượng trong xã hội, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và bề bạn của Việt Nam để tham gia giải quyết các khó khăn của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, tạo nguồn lực mới để phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện và nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương, mỗi vùng.

4. Cuộc vận động được triển khai ngay từ đầu, tháng đầu của mỗi năm học 2006-2007, có sự chuẩn bị kỹ tại mỗi cơ sở giáo dục, tại mỗi sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Đặt cuộc vận động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đạt biệt là với công đoàn ngành giáo dục, Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và Hội Cựu giáo chức.

5. Ngay trong năm học 2006-2007, tạo được chuyển biến về chất trong việc đấu tranh và khắc phục tiêu cực trong thi cử, trong đổi mới công tác thi đua của toàn ngành giáo dục từ cơ sở. Công tác thanh tra các cấp phải được tăng cường và đổi mới, phục vụ thiết thực hiệu quả cho cuộc vận động củng cố và mở rộng kết quả cuộc vận động trong năm học 2007-2008 và các năm sau, làm cho cuộc vận động này được duy trì bền vững.

6. Cuộc vận động phải được tổ chức chỉ đạo và triển khai quyết liệt từ lãnh đạo Bộ, các sở giáo dục và đào tạo tới mỗi thầy, cô hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, tập trung chủ yếu vào hai khâu là: Tổ chức kiểm tra, thi cử, và thi đua trong ngành giáo dục. Kết quả của cuộc vận động nhằm giải quyết một các cơ bản và nhanh chóng vấn nạn tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để mỗi thầy cô giáo, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và toàn ngành tiến hành các nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện kế hoạch phát triển với kết quả thực chất ngày càng cao.

Những địa phương nào trong thời gian qua rất ít tiêu cực trong kiểm tra, thi cử thì tập trung chỉ đạo mới thi đua từ cơ sở và triển khai các biện pháp chống tiêu cực trong thi cử kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo như tổ chức dạy và thi với yêu cầu phát huy sang tạo (kể từ bậc trung học không đọc và chép trong giờ giảng, không học thuộc lòng để thi là chủ yếu, thực hiện ra đề mở, thi trắc nghiệm).

[...]