ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
38/2021/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày
10 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN MẮT HƯNG
YÊN TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ
chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng
6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập;
Căn cứ Thông tư
liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh;
Căn cứ Quyết định số
1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 ngày 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành
Quy chế bệnh viện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y
tế tại Tờ trình số 1247/TTr-SYT ngày 01 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí, chức năng
1. Bệnh viện Mắt
Hưng Yên là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng
khám, chữa các bệnh về mắt cho nhân dân trong tỉnh và khu vực, đồng thời có nhiệm
vụ quản lý chương trình và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống các bệnh
về mắt tại cộng đồng.
2. Bệnh viện Mắt
Hưng Yên chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Y tế;
đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp
vụ của Bệnh viện Mắt Trung ương.
3. Bệnh viện
có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản theo
quy định của pháp luật.
4. Trụ sở làm việc: Số 66, đường An
Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Điều
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Về điều trị: Tổ
chức điều trị các bệnh về mắt thuộc tuyến tỉnh:
a) Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh thuộc chuyên khoa của Bệnh viện để
khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.
b) Cấp cứu các bệnh
về mắt: Chấn thương mắt, bỏng mắt...
c) Ngoại khoa: Phẫu
thuật Glocom, phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật Phaco, phẫu thuật lác và
sụp mi.
d) Nội khoa: Viêm
kết giác mạc, loét giác mạc, viêm màng bồ đào, bệnh võng mạc, điều trị lác bằng
tập luyện.
đ) Giai đoạn tiếp
theo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực hiện phẫu thuật
Laser cận thị, ghép giác mạc, tiếp khẩu túi lệ, các chấn thương về mắt.
e) Tham gia khám
giám định sức khỏe và khám giám định pháp y các bệnh về mắt khi Hội đồng giám định
y khoa Trung ương hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.
2. Về phòng bệnh:
a) Giúp lãnh đạo
Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa, phòng chống các bệnh dịch về mắt,
tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt. Phối hợp với các cơ sở y tế
dự phòng và cơ quan chuyên môn về y tế cấp huyện thực hiện công tác phòng chống
mù lòa, phòng chống các bệnh dịch về mắt.
b) Tham gia tuyên
truyền hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh theo khoa học để phòng ngừa các bệnh
về mắt.
c) Chỉ đạo hoạt động
của mạng lưới chuyên khoa tuyến huyện, thị xã, thành phố.
d) Nâng cao chất
lượng chuẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.
đ) Kết hợp với
tuyến dưới để thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc mắt ban đầu lồng ghép
trong chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Về đào tạo và
nghiên cứu khoa học:
a) Bệnh viện Mắt
Hưng Yên là cơ sở thực hành đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa mắt ở bậc trung học
trở lên, đồng thời tham gia giảng dạy chuyên
khoa ở bậc đại học và trung học.
b) Tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong Bệnh viện và tuyến
dưới để nâng cao trình độ chuyên khoa mắt.
c) Nghiên cứu và
tham gia các đề tài khoa học về lĩnh vực nhãn khoa, ứng dụng các tiến bộ khoa học,
các đề tài nghiên cứu khoa học vào lĩnh vực khám chữa bệnh, chú trọng nghiên cứu
y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không
dùng thuốc. Sử dụng những cán bộ có trình độ chuyên khoa sâu và kết hợp với Bệnh
viện Mắt Trung ương để mở rộng và nâng cao kỹ thuật của Bệnh viện.
d) Tổ chức điều
tra, giám sát tình hình mắc các bệnh về mắt trong cộng đồng; thu thập, phân
tích số liệu phản ánh tình hình mắc các bệnh mắt trên địa bàn.
4. Quản lý kinh tế:
a) Sử dụng đúng
quy định, có hiệu quả ngân sách Nhà nước cấp. Thực hiện đúng các quy định của
Nhà nước về thu, chi ngân sách của Bệnh viện; từng bước hạch toán chi phí khám,
chữa bệnh.
b) Tạo thêm nguồn
kinh phí từ các dịch vụ y tế: viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các
tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
c) Hợp tác quốc tế:
Hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo đúng quy định của Nhà nước nhằm
chuyển giao và phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho công tác
phòng và chữa các bệnh về mắt.
d) Thực hiện các
nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức, số lượng người làm việc, cơ chế tài chính
1. Lãnh đạo Bệnh viện:
a) Lãnh đạo Bệnh
viện có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
b) Giám đốc Bệnh viện là người đứng đầu Bệnh viện, chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Bệnh viện trong việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
c) Phó Giám đốc Bệnh viện là người giúp Giám đốc Bệnh viện phụ trách một
hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Bệnh viện phân công, chịu trách nhiệm
trước Giám đốc Bệnh viện và trước pháp luật về kết quả công tác được phân công.
Khi Giám đốc Bệnh viện vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều
hành các hoạt động của Bệnh viện.
d) Việc bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đánh
giá, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách đối với
Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định
của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
2. Các phòng chức
năng, khoa chuyên môn, gồm:
a) Phòng Tổ chức
hành chính - Tài chính kế toán;
b) Phòng Kế hoạch
tổng hợp - Chỉ đạo tuyến - Điều dưỡng;
c) Khoa Khám bệnh
- Cấp cứu - Cận lâm sàng;
d) Khoa Dược - Vật
tư y tế - Kiểm soát nhiễm khuẩn;
đ) Khoa Điều trị
tổng hợp - Phẫu thuật - Gây mê hồi sức;
e) Khoa Ngoại -
Phaco;
g) Khoa Khúc xạ -
Tạo hình thẩm mỹ.
Các phòng chức năng, khoa chuyên môn
thuộc Bệnh viện bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên, gồm: Trưởng
phòng (Trưởng khoa), Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng khoa) và viên chức chuyên
môn, nghiệp vụ. Phòng, khoa có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố
trí 01 Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng khoa); phòng, khoa có từ 10 người làm việc
là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng
khoa).
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động,
luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật,
cho nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách đối với Trưởng phòng (Trưởng
khoa), Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng khoa) thuộc Bệnh viện thực hiện theo quy định
của pháp luật, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý công tác tổ
chức, cán bộ, công chức, viên chức và theo tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng
(Trưởng khoa), Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng khoa) thuộc Bệnh viện do cơ quan có
thẩm quyền ban hành.
3. Số lượng người làm việc của Bệnh
viện:
a) Số lượng người
làm việc của Bệnh viện do Ủy ban nhân dân tỉnh giao trên cơ sở Đề án vị trí việc
làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động của Bệnh viện và nằm trong tổng chỉ
tiêu số lượng
người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
b) Căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm,
cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Bệnh viện được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm Giám đốc Bệnh viện
có trách nhiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm hoặc Đề án điều chỉnh vị trí
việc làm (nếu có), cơ cấu, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp viên chức, xác định số lượng người làm việc
của Bệnh viện, báo cáo Giám đốc Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
c) Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng,
quản lý viên chức, người lao động của Bệnh viện phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ,
vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý
cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Cơ chế tài chính:
a) Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động,
kinh phí và nguồn kinh phí hoạt động của Bệnh viện thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ
chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công
lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Việc chuyển Bệnh viện sang cơ chế tự
chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo quy định của Nhà
nước và của tỉnh.
Điều 4. Quy định
chuyển tiếp
Đối với những người
đã được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng (Trưởng khoa), Phó Trưởng phòng (Phó Trưởng
khoa) các phòng chức năng và khoa chuyên môn thuộc Bệnh viện, sau khi tổ chức lại
Bệnh viện mà thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo mới
có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang được
hưởng thì được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn
giữ chức vụ đã được bổ nhiệm trước khi tổ chức lại Bệnh viện theo Quyết định
này. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được
hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ đang hưởng đủ 06 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ
lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp
hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng theo quy định tại Điều 11 Nghị định
số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản
biên chế.
Điều 5. Tổ chức
thực hiện
1. Giám đốc Sở Y tế:
a) Chủ trì phối
hợp với Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất, tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ
bổ nhiệm viên chức quản lý các phòng chức năng, khoa
chuyên môn thuộc Bệnh viện theo quy định;
b) Chỉ đạo việc xây dựng Đề án điều
chỉnh vị trí việc làm của Bệnh viện; thẩm định, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định phê duyệt.
c) Ban hành quyết định phê duyệt
Quy chế làm việc của Bệnh viện; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của các phòng chức năng, khoa chuyên môn của Bệnh viện; quy định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu
các phòng chức năng, khoa chuyên môn, viên chức, người lao động của Bệnh viện; quy định chế độ thông
tin, báo cáo, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của các phòng chức năng,
khoa chuyên môn, viên chức, người lao động của Bệnh viện theo quy định của pháp
luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý công tác tổ chức
cán bộ, công chức, viên chức.
d) Chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện xây
dựng phương án, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của Bệnh viện, bảo
đảm phù hợp với kế hoạch và điều kiện thực tế của Bệnh viện theo đúng lộ trình,
mức độ tự chủ, báo cáo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ
quan, đơn vị có liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện
theo quy định.
2. Giao Giám
đốc Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
của Sở Y tế; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những khó khăn, vướng mắc để
xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Điều
6. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 20 tháng 8 năm 2021.
2. Quyết định số 80/2005/QĐ-UBND
ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Bệnh viện Mắt
Hưng Yên hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều
7. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và
Đầu tư, Kho bạc nhà nước Hưng Yên; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
và Giám đốc Bệnh viện Mắt Hưng Yên
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|