Quyết định 38/2008/QĐ-UBND phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 (Chương trình Nghị sự 21 tỉnh Đắk Nông) do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 38/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/12/2008
Ngày có hiệu lực 01/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Đặng Đức Yến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 38/2008/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020 (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 TỈNH ĐĂK NÔNG)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21);
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai thực hiện Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 2408/TTr-SKH ngày 15 tháng 12 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 (có định hướng chiến lược kèm theo).

Điều 2. Giao các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa:

- Cụ thể hóa các quy phạm về phát triển bền vững của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Đăk Nông. Bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách hướng vào những hoạt động ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

- Căn cứ vào các hoạt động ưu tiên tiến hành lập các dự án đầu tư cụ thể, các chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện cho từng giai đoạn trong phát triển bền vững.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp dân cư về định hướng chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa; các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Đức Yến

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Quyết định số 38/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của UBND tỉnh Đăk Nông)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn kiện

Chương trình Nghị sự 21

 

 

MỞ ĐẦU

Phát triển bền vững (PTBV) là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành Chương trình Nghị sự cho từng thời kỳ phát triển. Năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) đã thông qua tuyên bố Rio về môi trường và phát triển bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và Chương trình Nghị sự 21 (CTNS 21) về các giải pháp PTBV chung cho toàn thế giới trong thế kỷ 21. Đây là những nguyên tắc chung nhất để các quốc gia có thể vận dụng vào việc xây dựng các nguyên tắc PTBV cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội và thể chế chính sách riêng của nước mình. Đến năm 2002, tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi), các nước tham dự trong đó có đại diện Chính phủ Việt Nam, một lần nữa đưa ra cam kết là đến năm 2005, tất cả các nước phải có CTNS 21 Quốc gia và khuyến khích các cấp dưới quốc gia có CTNS 21 của mình. Từ năm 1992 đến nay đã có 113 nước trên thế giới xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự 21 về PTBV cấp quốc gia và 6.416 Chương trình Nghị sự 21 cấp địa phương.

PTBV đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay trong thập niên 90 của thế kỷ 20. Ngay từ năm 1991, Chính phủ đã ban hành và tích cực thực hiện "Kế hoạch quốc gia về Môi trường và PTBV giai đoạn 1991 - 2000", tạo tiền đề cho quá trình PTBV ở Việt Nam. Quan điểm PTBV đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: "BVMT là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KT - XH của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm PTBV, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị càng định rõ đường lối PTBV.

Quan điểm PTBV được khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và trong Chiến lược phát triển KT - XH 2001 - 2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT” và “phát triển KT - XH gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh vật (ĐDSH)”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) đã nhấn mạnh và nâng lên tầm cao mới với khẩu hiệu “Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và PTBV”, Nghị quyết Đại hội đã xác định cụ thể các chủ trương, chính sách để chỉ đạo các tổ chức chính quyền, đoàn thể đạt mục tiêu PTBV.

Có thể thấy, PTBV đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu PTBV, nhiều chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được ban hành và triển khai thực hiện; nhiều nội dung cơ bản về PTBV đã đi vào cuộc sống và dần trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

Ngày 17/8/2004 tại Quyết định 153/2006/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Định hướng Chiến lược PTBV ở Việt Nam" (gọi tắt là: Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm PTBV đất nước trong thế kỷ 21. Định hướng chiến lược PTBV là căn cứ để cụ thể hóa Chiến lược phát triển KT - XH 2001 - 2010, Chiến lược BVMT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 cũng như xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, nhằm kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT, bảo đảm sự PTBV của đất nước.

Là một tỉnh mới được thành lập tách ra từ tỉnh Đăk Lăk, quan điểm PTBV được tỉnh Đăk Nông được khẳng định ngay trong văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ I, nhiệm kỳ 2005 - 2010 là phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với BVMT, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tỉnh Đăk Nông nằm ở phía Tây Nam của Tây Nguyên, đặc điểm địa lý, địa hình và nhân khẩu học có nhiều cơ hội và thách thức về PTBV. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đăk Lăk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Đăk Nông có 130 km đường biên giới và diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2. Quốc lộ 14 nối Đăk Nông với Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và vùng trọng điểm kinh tế phía nam, có Quốc lộ 28 nối Đăk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận và thành phố HCM. Tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 413.043 ha, chiếm 63,4% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng là 325.005 ha, diện tích đất không có rừng là 65.055 ha, trong diện tích đất có rừng, diện tích rừng tự nhiên là 314.133 ha, diện tích rừng trồng là 10.872 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 49,4%.

Đăk Nông có 7 huyện, 01 thị xã, 71 xã, phường, thị trấn, dân số trung bình năm 2007 có 430.668 người, cộng đồng dân cư gồm 29 dân tộc cùng sinh sống. Cơ cấu dân tộc đa dạng, chủ yếu là dân tộc Kinh, M'Nông, Mạ, Ê Đê, Tày, Thái, Nùng...Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 34,5%. Đăk Nông là tỉnh có mật độ dân số tương đối thấp so với các tỉnh Tây Nguyên. Khoảng 84% dân số sống ở các vùng nông thôn và hơn hai phần ba lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Địa hình đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao, có hướng cao dần từ Đông sang Tây. Nằm trong khu vực Tây Nguyên, Đăk Nông là tỉnh với nhiều thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên với các khu rừng nguyên sinh, các thác nước và các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo, các thác nước đẹp, hùng vĩ, còn nguyên sơ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, thác Đray H'Linh, Đray Sáp, thác Chuông, thác Gấu, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, Đăk G’Lung, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha), thảo nguyên nhỏ Trảng Ba cây... Đây là những ưu thế tự nhiên đang được đầu tư, khai thác để phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, các cơ sở nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, cưỡi ngựa, săn bắn, hay cắm trại.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Bô xít trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỷ tấn. Ngoài ra còn có vàng, đá quí ngọc bích và đá saphia trắng, volfram, thiếc và antimon. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng, phục vụ sản xuất, chế biến cho nội tiêu và xuất khẩu.

Khí hậu tỉnh Đăk Nông mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, có nguồn nước và nguồn năng lượng dồi dào, đất đai phì nhiêu… là điều kiện thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Đó là tiền đề rất quan trọng để có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng phong phú.

[...]