Quyết định 3730/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020

Số hiệu 3730/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2011
Ngày có hiệu lực 28/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3730/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 24/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 439/TTr-SKHĐT ngày 19/12/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 (Kèm theo Quyết định này bản quy hoạch chi tiết), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong cùng thời kỳ, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 là một trong những khâu đột phá quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

- Đầu tư phát triển nhân lực là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và của toàn xã hội. Cần tăng cường trách nhiệm, vai trò quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền đồng thời phát huy vai trò của toàn xã hội trong việc phát triển nhân lực; Bên cạnh việc nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển đào tạo, cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hợp tác trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu phát triển nhân lực

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Quy hoạch phát triển nhân lực là cơ sở để các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thành kế hoạch phát triển nhân lực hàng năm phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp và thể chất; đảm bảo sự hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề phục vụ các ngành kinh tế phát triển, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Năm 2015 dự kiến qui mô dân số khoảng 2,8 – 2,9 triệu người; số người trong độ tuổi lao động là 1.960.000 người; số lao động đang làm việc khoảng 1.581.600 người; Đến năm 2020 dự kiến qui mô dân số khoảng 3,1 – 3,2 triệu người; số người trong độ tuổi lao động là 2.150.000 người; số lao động đang làm việc khoảng 1.793.400 người; số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm từ 80.000 đến 85.000 lao động.

+ Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt mức 2,5% vào năm 2015, đạt mức 2,0% vào năm 2020.

+ Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn 89% (năm 2015) và 92% (năm 2020).

+ Đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo 65% và 77% vào năm 2020; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 50% năm 2015 và 65% năm 2020.

+ Nhân lực qua đào tạo ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp tăng từ 21% năm 2010 lên 28% vào năm 2015 và 50% năm 2020, ngành Công nghiệp – Xây dựng tăng tương ứng là 66% lên 74,9% và 80%, ngành Dịch vụ từ 68,7% lên 77,6% và 88%.

+ 100% đối tượng đặc thù, đối tượng chính sách có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề.

[...]