Quyết định 371/QĐ-UBND năm 2024 về Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 371/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/03/2024
Ngày có hiệu lực 04/03/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 371/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 15/TTr-SGDĐT ngày 27/02/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:

I. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương

1. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh, năng lực chung của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương;

2. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính hiện đại, tính kế thừa, vừa góp phần hội nhập vừa phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của địa phương;

3. Nội dung sách giáo khoa có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của nhà trường tại địa phương;

4. Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa có tính mở tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung, hoạt động đặc thù, gắn với tình hình thực tế của địa phương;

5. Chất lượng hình thức sách giáo khoa tốt, giá thành hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế của dân cư địa phương, giúp học sinh sử dụng được lâu dài.

II. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh

1. Phù hợp với việc học của học sinh

a) Sách giáo khoa được trình bày khoa học, rõ ràng, hấp dẫn, dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lí lứa tuổi học sinh, bảo đảm các yêu cầu cần đạt của chương trình, có tính giáo dục và tính thẩm mĩ cao;

b) Các bài học trong sách giáo khoa chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức; bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết nhiệm vụ học tập và trong thực tiễn cuộc sống;

c) Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, rèn kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh;

d) Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực người học.

2. Thuận tiện, hiệu quả đối với việc dạy của giáo viên

a) Cách thiết kế bài học, chủ đề trong sách giáo khoa phải hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên dễ dạy, dễ lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

b) Sách giáo khoa có các nội dung, chủ đề kiến thức phong phú, đa dạng giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống;

c) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo sự phân hóa, nhiều hình thức và phương pháp đánh giá, thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn công cụ đánh giá mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục;

d) Cấu trúc sách giáo khoa thuận tiện cho tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường;

đ) Sách giáo khoa có kèm sách tham khảo, nguồn tài nguyên, học liệu điện tử, ... để hỗ trợ giáo viên trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học.

3. Phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông

a) Cấu trúc sách giáo khoa tạo điều kiện để địa phương, nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục;

[...]