Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 37/2018/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/08/2018
Ngày có hiệu lực 15/10/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2018/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN ĐẠT TIÊU CHUẨN VÀ BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ; THỦ TỤC XÉT HỦY BỎ CÔNG NHẬN CHỨC DANH VÀ MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và b nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và min nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định: Tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2. Quyết định này áp dụng đối với giảng viên đang giảng dạy ở các đại học quốc gia, đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục đại học nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Giảng viên” trong các cơ sở giáo dục đại học bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng theo quy định của pháp luật.

2. “Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học” là từ gọi chung cho các chức danh: Giám đốc đại học quốc gia, Giám đốc đại học, Giám đốc học viện, Hiệu trưởng trường đại học và Viện trưởng viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

3. “Bài báo khoa học” là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thể hiện rõ ý tưởng khoa học, nội dung cần thiết của vấn đề nghiên cứu, tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế, những đóng góp chính về lý thuyết và ứng dụng; phương pháp, phương tiện nghiên cu, nguồn tư liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo.

4. “Sách phục vụ đào tạo” là sách có nội dung khoa học và tính sư phạm, được sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành khoa học đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của ứng viên và có mã số chuẩn quốc tế ISBN áp dụng từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, bao gồm:

a) “Giáo trình” là tài liệu giảng dạy, học tập có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học duyệt, lựa chọn hoặc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;

b) “Sách chuyên khảo” là công trình khoa học trình bày kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tương đối toàn diện về một vấn đề khoa học chuyên ngành;

c) “Sách tham khảo” là công trình nghiên cu khoa học chuyên ngành có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng, được cơ sở giáo dục đại học dùng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên và người học;

d) “Sách hướng dẫn” là sách được cơ sở giáo dục đại học sử dụng để hướng dẫn cho người học, hướng dẫn thực tập môn học, thực tập theo giáo trình, thực tập trong bệnh viện, thực tập trong cơ sở sản xuất; từ điển chuyên ngành.

5. “Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn” được xác định theo một trong các trường hợp sau đây (cho cùng một ngoại ngữ):

a) Đọc hiểu được bài báo và các tài liệu chuyên môn; viết được các bài báo chuyên môn; trình bày, thảo luận (nghe, nói) chuyên môn bằng ngoại ngữ;

b) Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;

c) Đang giảng dạy một môn chuyên môn bằng ngoại ngữ;

d) Đã tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài và được cấp bằng cử nhân ngôn ngữ nước ngoài;

[...]