BỘ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
37/2003/QĐ-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 37/2003/QĐ-BKHCN
NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG,
SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI XE MÁY HAI BÁNH, ĐỘNG CƠ VÀ
PHỤ TÙNG ĐƯỢC SẢN XUẤT, LẮP RÁP TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU"
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng
hàng hóa ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công
nghệ;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định
phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa;
Căn cứ Quyết định số 147/2002/QĐ-TTg ngày 25/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ
về cơ chế điều hành quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn
máy và phụ tùng giai đạn 2003 - 2005;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1665/CP-KTTH ngày
25/12/2002 về việc tăng cường quản lý chất lượng và giá tính thuế đối với xe
máy, động cơ và phụ tùng xe máy nhập khẩu;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1699/CP-KTTH ngày
31/12/2002 về việc triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu, sản xuất lắp ráp
và lưu hành xe máy năm 2003;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Cục
trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công
nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định và quản
lý chất lượng, sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ đối với xe máy hai
bánh, động cơ và phụ tùng được sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu".
Điều 2.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí
tuệ, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ tổ chức, hướng dẫn và kiểm
tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ
ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 01/2003/QĐ-BKHCN ngày 30/01/2003 của
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ về việc ban hành "Quy định về quản lý chất
lượng, sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ đối với xe hai bánh gắn máy, động
cơ và phụ tùng xe hai bánh gắn máy được sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu".
Điều 4.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Cục Sở hữu trí
tuệ, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ và các cơ quan, tổ chức liên
quan, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe hai bánh, động cơ và phụ
tùng xe máy hai bánh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
ĐỐI VỚI XE MÁY HAI BÁNH, ĐỘNG CƠ VÀ PHỤ TÙNG ĐƯỢC SẢN XUẤT, LẮP RÁP TRONG NƯỚC
VÀ NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2003/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2003 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ)
1. Quy định
chung
1.1. Văn bản này quy định các nội
dung và thủ tục về quản lý chất lượng, sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ
đối với xe máy hai bánh (sau đây viết tắt là xe máy), động cơ và phụ tùng sản
xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu thuộc Danh mục xe máy, động cơ và phụ
tùng xe máy phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) ban hành kèm theo Quyết định
số 13/2003/QĐ-BKHCN ngày 26/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau
đây viết tắt là Quyết định số 13/2003/QĐ-BKHCN).
Đối với các phụ tùng xe máy thuộc
Danh mục xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam
ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-BKHCN mà chưa đến thời điểm có hiệu
lực thì thực hiện theo quy định tại điểm 2.2.3 của văn bản này.
1.2. Văn bản này áp dụng cho các
đối tượng sau đây:
- Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp
xe máy
- Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp
động cơ và phụ tùng xe máy.
- Doanh nghiệp nhập khẩu xe máy,
động cơ và phụ tùng xe máy.
Văn bản này không áp dụng đối với
các xe máy, động cơ và phụ tùng nhập khẩu vì mục đích an ninh, quốc phòng do
Lãnh đạo Bộ chủ quản xác nhận.
1.3. Doanh nghiệp sản xuất, lắp
ráp xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất
lượng cho sản phẩm của mình theo Quy định tạm thời về công bố tiêu chuẩn chất
lượng hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 2425/2000/QĐ-BKHCNMT và công bố
phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tạm thời về công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn
ban hành kèm theo Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/12/2000 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
1.4. Việc đăng kiểm chất lượng
xe máy và động cơ xe máy sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định hiện
hành của pháp luật.
1.5. Xe máy, động cơ và phụ tùng
xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu phải tuân thủ các quy định
pháp luật về sở hữu công nghiệp.
1.6. Các doanh nghiệp sản xuất,
lắp ráp động cơ xe máy phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các đối tác
(nước ngoài hoặc trong nước) đã nghiên cứu sản xuất động cơ xe máy đạt Tiêu chuẩn
Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương Tiêu chuẩn Việt Nam.
2. Về quản
lý chất lượng
2.1. Đối với xe máy và động cơ
xe máy
2.1.1. Đối với xe máy và động cơ
xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp
xe máy, động cơ xe máy phải thực hiện việc công bố xe máy và động cơ xe máy hoàn
chỉnh phù hợp các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tương ứng trong Danh mục quy định
tại Điểm 1.1 và theo quy định tại Điểm 1.3 của Văn bản này.
- Thực hiện việc kiểm tra chất
lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.
2.1.2. Đối với xe máy nguyên chiếc
và động cơ xe máy hoàn chỉnh nhập khẩu
Doanh nghiệp nhập khẩu xe máy
nguyên chiếc và động cơ xe máy hoàn chỉnh phải có một trong các tài liệu sau về
chất lượng:
- Bản công bố của cơ sở sản xuất
nước xuất khẩu về sự phù hợp của sản phẩm với Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng
trong Danh mục quy định tại Điểm 1.1 của văn bản này kèm theo phiếu thử nghiệm
được cấp bởi phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất nước xuất khẩu hoặc phòng thử
nghiệm độc lập nước xuất khẩu đã được cơ quan công nhận của Việt Nam đánh giá
và công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025;
- Giấy chứng nhận về sự phù hợp
của sản phẩm đối với Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng trong Danh mục quy định tại
Điểm 1.1 của văn bản này được cấp bởi tổ chức chứng nhận nước xuất khẩu đã được
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thừa nhận.
Trong trường hợp không có tài liệu
nêu trên, doanh nghiệp nhập khẩu xe máy nguyên chiếc và động cơ xe máy hoàn chỉnh
sẽ phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành.
2.2. Đối với phụ tùng xe máy
2.2.1. Đối với phụ tùng xe máy sản
xuất trong nước
Doanh nghiệp sản xuất phụ tùng
xe máy phải thực hiện: Công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với phụ tùng xe máy và
công bố phụ tùng xe máy phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tương ứng trong Danh
mục quy định tại Điểm 1.1 và theo quy định tại điểm 1.3 của văn bản này.
- Thực hiện việc kiểm tra chất
lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.
2.2.2. Đối với phụ tùng xe máy
nhập khẩu
Doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng
xe máy phải có một trong các tài liệu sau về chất lượng:
- Bản công bố của cơ sở sản xuất
nước xuất khẩu về sự phù hợp của sản phẩm với Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng
trong Danh mục quy định tại Điểm 1.1 của văn bản này kèm theo phiếu thử nghiệm
được cấp bởi phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất nước xuất khẩu hoặc phòng thử
nghiệm độc lập nước xuất khẩu đã được Cơ quan công nhận của Việt Nam đánh giá
và công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025;
- Giấy chứng nhận về sự phù hợp
của sản phẩm với Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng trong Danh mục quy định tại Điểm
1.1 của văn bản này được cấp bởi tổ chức chứng nhận nước xuất khẩu đã được Tổng
cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thừa nhận.
Trong trường hợp không có các
tài liệu nêu trên, doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng xe máy phải gửi hồ sơ về lô
phụ tùng nhập khẩu và mẫu đại diện của lô phụ tùng xe máy đến một trong các cơ
quan sau đây để thử nghiệm:
- Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng 1;
- Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng 2;
- Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng 3;
- Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới
thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;
- Hoặc một cơ quan thử nghiệm
khác do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;
Số lượng mẫu đại diện cần gửi
theo yêu cầu của các cơ quan trên.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng sẽ xem xét và cấp giấy xác nhận chất lượng phụ tùng trên cơ sở hồ sơ và kết
quả thử nghiệm mẫu đại diện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng trong
Danh mục quy định tại Điểm 1.1 của văn bản này.
Giấy xác nhận chất lượng bao gồm
các nội dung sau:
- Những thông tin liên quan đến
sản phẩm: Tên, ký hiệu, chủng loại phụ tùng nhập khẩu; Tên doanh nghiệp nhập khẩu;
Tên nhà sản xuất nước ngoài;
- Xác nhận mẫu đại diện của phụ
tùng đạt yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.
Các lô phụ tùng nhập khẩu phù hợp
với mẫu đại diện đã được thử nghiệm và chứng nhận đạt yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt
Nam tương ứng kèm theo bản sao giấy xác nhận chất lượng sẽ được nhập khẩu vào
Việt Nam mà không phải kiểm tra lại về chất lượng.
2.2.3. Việc quản lý chất lượng đối
với các phụ tùng xe máy thuộc Danh mục xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải
áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-BKHCN mà
chưa đến thời điểm có hiệu lực áp dụng tiêu chuẩn được thực hiện như sau:
2.2.3.1. Đối với phụ tùng xe máy
sản xuất trong nước
Doanh nghiệp sản xuất phụ tùng
xe máy phải thực hiện: Công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với phụ tùng và khuyến
khích công bố sản phẩm phụ tùng xe máy phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tương
ứng trong Danh mục quy định tại điểm 1.1 và theo quy định tại Điểm 1.3 của văn
bản này.
2.2.3.2. Đối với phụ tùng xe máy
nhập khẩu
Các phụ tùng xe máy nhập khẩu
vào Việt Nam phải có xuất xứ rõ ràng, bao gồm tên, địa chỉ nhà sản xuất, nhà
cung ứng.
Doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu các
phụ tùng của các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng
theo ISO 9000 hoặc QS 9000 hoặc hệ thống quản lý chất lượng tương ứng áp dụng
cho lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe máy. Trường hợp đặc biệt, Bộ Khoa học và Công
nghệ sẽ xem xét cụ thể và quyết định.
Doanh nghiệp phải gửi các tài liệu
về xuất xứ các phụ tùng và bản sao chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng nói
trên đến Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm xét. Bộ Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm thông báo đến Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan khác để tiến
hành các thủ tục thông quan và phối hợp quản lý.
2.3. Việc thông quan về chất lượng
đối với xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy nhập khẩu
2.3.1. Đối với xe máy nguyên chiếc
và động cơ xe máy hoàn chỉnh
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ
thông báo đến Tổng cục Hải quan danh sách các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm nước
ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận để phối hợp quản lý.
Các lô hàng có kèm bản sao giấy
chứng nhận chất lượng của các tổ chức chứng nhận hoặc công bố của cơ sở sản xuất
kèm theo phiếu thử nghiệm quy định tại Điểm 2.1.2 của văn bản này sẽ được cơ
quan hải quan xem xét thông quan về chất lượng mà không phải kiểm tra lại về chất
lượng.
2.3.2. Đối với các phụ tùng xe
máy thuộc Danh mục xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải áp dụng Tiêu chuẩn
Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-BKHCN mà chưa đến thời điểm
có hiệu lực áp dụng: Cơ quan Hải quan căn cứ vào thông báo của Bộ Khoa học và
Công nghệ về sự đáp ứng yêu cầu chất lượng của các doanh nghiệp nhập khẩu để
xem xét việc cho thông quan về chất lượng đối với các lô phụ tùng nhập khẩu.
2.3.3. Đối với các phụ tùng xe
máy khác thuộc Danh mục xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải áp dụng Tiêu
chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-BKHCN, việc thông
quan về chất lượng thực hiện theo quy định tại Điểm 2.3.1 của văn bản này.
3. Về sở hữu
công nghiệp
3.1. Doanh nghiệp sản xuất, lắp
ráp xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy phải có một trong các tài liệu sau đây mới
được coi là có nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ:
a. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn
hiệu hàng hóa, trong đó doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu; hoặc
b. Xác nhận của cơ quan quản lý
sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Việt Nam theo Thảo ước
Madrid, trong đó doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu; hoặc
c. Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu
hàng hóa đã được đăng ký tại cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp, trong đó doanh
nghiệp là bên nhận.
3.2. Hoạt động nhập khẩu xe máy
nguyên chiếc, phụ tùng xe máy, sản xuất, đặt sản xuất phụ tùng xe máy nội địa,
lắp ráp các phụ tùng thành xe hoàn chỉnh, đưa vào lưu thông (bán, phân phối) phụ
tùng và xe hoàn chỉnh phải tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp.
Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện
các hoạt động trên phải đảm bảo không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (đối với
sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa) của người
khác.
3.3. Khi làm thủ tục xin phép
các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp
xe máy, doanh nghiệp phải có bản cam kết không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
đang được bảo hộ, nếu xảy ra xâm phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của
pháp luật. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét và thông báo kèm theo việc thông
báo về đảm bảo chất lượng đến các cơ quan liên quan để phối hợp quản lý.
4. Về chuyển
giao công nghệ
4.1. Nội dung hợp đồng chuyển
giao công nghệ thực hiện theo Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01/7/1998 của
Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ và Thông tư số
1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12/7/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số
45/1998/NĐ-CP ngày 01/07/1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao
công nghệ.
4.2. Hợp đồng chuyển giao công
nghệ sản xuất, chế tạo, lắp ráp động cơ xe máy từ nước ngoài vào Việt Nam và hợp
đồng chuyển giao công nghệ trong nước phải được thẩm định, đăng ký theo quy định
của pháp luật hiện hành về chuyển giao công nghệ.
5. Tổ chức
thực hiẹn
5.1. Về quản lý chất lượng
5.1.1. Các doanh nghiệp tổ chức
công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn
theo quy định hiện hành và thực hiện đúng như đã công bố. Những công bố trước
đó của doanh nghiệp không phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam nêu trong Danh mục xe
máy và động cơ, phụ tùng xe máy phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam sẽ không có
giá trị và doanh nghiệp phải tiến hành lại việc công bố cho phù hợp.
5.1.2. Trong thời hạn 07 ngày kể
từ khi doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp tiêu chuẩn,
doanh nghiệp phải gửi các bản công bố này về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
chính. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ tổng hợp và báo cáo tới Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ
Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan danh sách các doanh
nghiệp đã thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn.
5.1.3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường
Chất lượng tổ chức kiểm tra hoạt động công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố
phù hợp tiêu chuẩn đối với xe máy, động cơ xe máy, phụ tùng xe máy sản xuất, lắp
ráp trong nước của các doanh nghiệp.
5.2. Về sở hữu công nghiệp
5.2.1. Để đảm bảo không xảy ra
tình trạng vi phạm pháp luật và không xảy ra tranh chấp về sở hữu công nghiệp,
doanh nghiệp cần tiến hành việc kiểm tra tình trạng pháp lý về các đối tượng sở
hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểm dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp
hữu ích
) liên quan đến xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy ngay từ khâu chuẩn bị
(chuẩn bị ký kết hợp đồng nhập khẩu phụ tùng, chuẩn bị điều kiện để sản xuất hoặc
đặt sản xuất phụ tùng nội địa và chuẩn bị các điều kiện để lắp ráp xe).
5.2.2. Các thông tin về các đối
tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ ở Việt Nam đều được công bố trên Công báo
sở hữu công nghiệp và được ghi nhận trong Đăng bạ về sở hữu công nghiệp (được
lưu giữ tại cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp). Vì vậy các doanh nghiệp đều có
thể tự mình tra cứu nguồn thông tin đó để biết các đối tượng sở hữu công nghiệp
liên quan đến linh kiện và sản phẩm lắp ráp của mình có được bảo hộ hay không,
nếu có thì thuộc về ai. Nếu doanh nghiệp không có khả năng tự giải quyết vấn đề
này thì có thể sử dụng dịch vụ tra cứu của cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp.
5.2.3. Trường hợp kết quả thẩm
tra cho thấy các đối tượng sở hữu công nghiệp được dùng cho phụ tùng và xe máy
lắp ráp không được bảo hộ tại Việt Nam thì việc nhập khẩu phụ tùng, lắp ráp xe
máy trước mắt không vi phạm về sở hữu công nghiệp.
Trường hợp phát hiện phụ tùng, động
cơ hoặc xe máy hoàn chỉnh có chứa đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ,
doanh nghiệp vi phạm phải dừng ngay hành vi vi phạm và kịp thời liên lạc để đàm
phán, ký kết hợp đồng li xăng với chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và chỉ
được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sau khi đã đăng ký hợp đồng này tại
cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp.
5.3. Về chuyển giao công nghệ
Mẫu hợp đồng chuyển giao công
nghệ và thủ tục, hồ sơ đăng ký hợp đồng quy định tại Thông tư số
1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12/7/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số
45/1998/NĐ-CP ngày 01/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao
công nghệ và Thông tư số 11/2002/TT-BKHCN ngày 29/11/2002 của Bộ Khoa học và
Công nghệ hướng dẫn thực hiện điểm d, khoản 1, Điều 4 Nghị định
số 59/2002/NĐ-CP ngày 04/6/2002 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy
phép và thay thế một số giấy phép bằng phương thức quản lý khác.
5.4. Định kỳ hoặc đột xuất, Bộ
Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định tại văn bản
này của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe máy, động cơ xe
máy, phụ tùng xe máy.
5.5. Các doanh nghiệp vi phạm
các quy định nêu tại văn bản này không được phép sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu
xe máy, động cơ xe máy, phụ tùng xe máy và bị xử lý theo quy định của pháp luật.