Quyết định 3651/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 3651/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/12/2021
Ngày có hiệu lực 13/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3651/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 13 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16-CT/TU NGÀY 09/9/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KẾT NGHĨA, GIÚP ĐỠ CÁC HUYỆN, XÃ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI, BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh;

Thực hiện Thông báo số 630-TB/TU ngày 24/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh ngày 16/10/2019;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 922/TTr-BDT ngày 08/12/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị số 16-CT/TU), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 16- CT/TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh;

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội đoàn thể các cấp và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong tổ chức thực hiện công tác kết nghĩa, nhằm góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị mang tính nhân văn sâu sắc và là tiêu chí xem xét đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm trong triển khai thực hiện công tác kết nghĩa, nhằm đảm bảo các nội dung Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực đạt hiệu quả thiết thực, bền vững;

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động kết nghĩa; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư, hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền của tỉnh;

- Nội dung, hình thức thực hiện các hoạt động kết nghĩa cần đổi mới, thiết thực, bền vững đảm bảo cho công tác kết nghĩa thực sự đi vào cuộc sống, giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động, tự giác, tự chủ vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện mức sống, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ địa phương được nhận kết nghĩa hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

- Địa phương được nhận kết nghĩa (huyện, xã miền núi) tăng cường trách nhiệm, chủ động thực hiện tất cả các công đoạn kết nghĩa từ phân công phối hợp, khảo sát, rà soát, lập kế hoạch, báo cáo đề xuất nhu cầu, tiếp nhận, quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ, đột xuất.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, vận động

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác kết nghĩa; tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, khơi dậy ý chí tự lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan. Tuyên truyền, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,... phát triển sản xuất cho người dân.

2. Hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Chú trọng hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, quản lý, điều hành và các kỹ năng như: tuyên truyền, vận động, tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, người có uy tín; củng cố, kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động cho xã, thôn.

3. Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội

Các bên tham gia kết nghĩa tăng cường phối hợp, kết nối, mời gọi, thu hút nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện xây dựng, duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã); mô hình nhóm hộ, câu lạc bộ... theo hướng liên kết sản xuất gắn chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị, như:

- Nhóm nông, lâm nghiệp: Chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị như: cây chè, cây hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, hương liệu, hoa,... phát triển các mô hình chăn nuôi như: bò sinh sản, bò thịt, trâu, dê, lợn, gà... phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

- Nhóm thương mại, dịch vụ, du lịch:

+ Khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch lịch sử - văn hóa; tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa vùng dân tộc thiểu số;

[...]