Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 3624/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 3624/QĐ-BVHTTDL
Ngày ban hành 21/10/2013
Ngày có hiệu lực 21/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
Người ký Hồ Anh Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3624/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NỘI DUNG ĐỀ CƯƠNG “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1594/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 5 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao nhiệm vụ soạn thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Xét đề nghị của Tổng cục Du lịch tại Công văn số 668/TCDL-TC ngày 26 tháng 6 năm 2013 và Công văn số 1003/TCDL-TC ngày 24 tháng 9 năm 2013;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này nội dung Đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn;
- Lưu: VT, KHTC, 3T(10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Anh Tuấn

 

NỘI DUNG ĐỀ CƯƠNG

“QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
(Ban hành theo Quyết định số: 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP QUY HOẠCH

Vùng Đông Nam Bộ, theo định hướng phát triển du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Vị trí du lịch vùng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hành lang du lịch xuyên Á. Vùng có diện tích tự nhiên xấp xỉ 23.597,9 km2, dân số khoảng 15.090,8 nghìn người với mật độ trung bình 639 người/ km2 (Số liệu năm 2012).

Ranh giới vùng phía Bắc và phía Tây Bắc giáp với Campuchia; phía Tây Nam giáp với Đồng bằng sông Cửu Long; phía Đông-Đông Nam giáp với biển Đông và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phía Đông giáp vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Trên bản đồ khu vực, Đông Nam Bộ nằm trung tâm Đông Nam Á (bằng máy bay trong khoảng 2-3 giờ có thể tới tất cả các thủ đô trong Đông Nam Á).

Vùng là trung tâm công nghiệp lớn, nên rừng và thảm thực vật nghèo nàn, lại do ảnh hưởng triều cường, nên mức độ ô nhiễm tương đối cao và dễ chịu ảnh hưởng của ngập lụt.

Vùng Đông Nam Bộ có 7 loại: đất feralit, đất phù sa (chiếm thấp nhất trong vùng), đất ba dan , đất xám trên phù sa cổ, đất mặn, đất phèn (đất mặn , đất phèn tập trung nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh), là vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này thuộc địa chất giới Kainozoi: Cuội, cát, sét kết và các thành tạo bở rời.

Khu vực Đông Nam Bộ có các sông lớn như hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải...Sông Sài Gòn và sông Thị Vải là nơi tập trung các cảng chính của khu vực như cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép, cảng Thị Vải.

Bờ biển trong vùng thuộc các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực ven biển có nhiều bãi biển đẹp là khu nghỉ mát nổi tiếng như: bãi Sau, bãi Dứa (Vũng Tàu). Vùng biển ấm, ngư trường rộng, hải sản phong phú với khả năng phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, gần tuyến đường biển quốc tế nên phát triển giao thông vận tải biển, thềm lục địa nông rộng giàu tiềm năng dầu khí…

Vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa 50%. Đông Nam Bộ là vùng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố xã hội khác.

[...]