Quyết định 36/2008/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2008 - 2010 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 36/2008/QĐ-BYT
Ngày ban hành 28/10/2008
Ngày có hiệu lực 02/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trịnh Quân Huấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 36/2008/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ AN TOÀN TRUYỀN MÁU DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cuả Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2008 - 2010 (bản kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chương trình

a) Mục tiêu chung

Chuyển đổi nguồn người cho máu an toàn, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng nhằm bảo đảm sàng lọc 100% HIV cho tất cả các đơn vị máu.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010

- Bảo đảm 100% đơn vị máu và chế phẩm máu (kể cả cấp cứu) được xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhiễm HIV bằng kỹ thuật ELISA hoặc kỹ thuật cao hơn.

- Nghiên cứu chất lượng sinh phẩm xét nghiệm HIV để đưa ra các khuyến cáo sử dụng sinh phẩm có chất lượng tốt, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong kỹ thuật ELISA để sàng lọc HIV cho 100% các đơn vị máu thu gom. Bảo đảm chất lượng xét nghiệm sàng lọc HIV, thành lập hệ thống các phòng xét nghiệm chuẩn thức quốc gia ở các tuyến trung ương, nghiên cứu chất lượng sinh phẩm. Đào tạo và đào tạo lại nâng cao kiến thức chuyên môn về HIV và xét nghiệm sàng lọc HIV cho cán bộ làm công tác an toàn truyền máu tại các tuyến.

- Thay đổi cơ bản cơ cấu nguồn người cho máu. Đẩy mạnh vận động hiến máu nhân đạo không lấy tiền, tiến tới xoá bỏ tình trạng bán máu. Loại trừ lấy máu ở nhóm người có nguy cơ cao, khuyến khích cho máu nhắc lại, nâng cao sức khoẻ người cho máu.

- Nâng cao công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu thực hiện an toàn truyền máu theo đúng quy định pháp luật.

- Xây dựng hệ thống quản lý công tác truyền máu phòng chống HIV thống nhất trong toàn quốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hệ thống truyền máu phòng chống HIV, xây dựng hệ thống báo cáo điện tử qua mạng để bảo đảm báo cáo đầy đủ, chính xác, đúng mẫu, kịp thời.

2. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về xã hội

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong an toàn truyền máu; xây dựng bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn truyền máu.

- Thực hiện việc chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra về công tác an toàn truyền máu phòng lây, nhiễm HIV từ trung ương đến địa phương.

- Tăng cường phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên và các ban, ngành khác, đặc biệt với tổ chức Đảng, Chính quyền và các cấp, tập trung nỗ lực, tổ chức tuyên truyền về HIV và vận động những người khoẻ mạnh không có yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV tình nguyện cho máu và duy trì nguồn người cho máu an toàn để đáp ứng nhu cầu cung cấp máu.

b) Giải pháp kỹ thuật

 - Xây dựng các ngân hàng máu theo hướng tập trung (ngân hàng máu khu vực) bằng các nguồn viện trợ và kinh phí trong nước, từng bước hiện đại hoá hệ thống an toàn truyền máu.

- Nâng cao chất lượng sàng lọc  HIV các đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền, cung cấp đủ và kịp thời sinh phẩm có chất lượng cho công tác sàng lọc máu, bảo đảm sàng lọc HIV 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu trước truyền. Từng bước xã hội hoá công tác an toàn truyền máu thông qua việc tính đủ giá thành đơn vị máu và chế phẩm máu.

- Khuyến khích phát triển việc ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại và chỉ định truyền máu phù hợp như : truyền máu từng phần, truyền máu tự thân, lọc bạch cầu... nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do truyền máu.

- Thực hiện đúng quy định của Quy chế an toàn truyền máu, chỉ định truyền máu đúng, hạn chế truyền máu toàn phần và truyền máu điều trị dự phòng thiếu máu.

- Triệt để thực hiện các quy định về công tác vô trùng, tiệt trùng trong các dịch vụ y tế nhà nước và tư nhân. Huy động các nguồn lực, xây dựng các khu tiệt trùng, xử lý dụng cụ y tế đạt tiêu chuẩn.

- Xây dựng phòng xét nghiệm chuẩn quốc gia để kiểm tra chất lượng an toàn truyền máu bao gồm kiểm tra sinh phẩm, kiểm tra quy trình xét nghiệm, trang thiết bị.

c) Giải pháp về nâng cao năng lực và huy động nguồn lực

[...]