Quyết định 35/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007-2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 35/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2007
Ngày có hiệu lực 29/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
****

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 35/2007/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 19 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2007-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ  Luật  Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch tại Tờ trình số: 81/TTr-TTXTĐT-TM-DL ngày 18 tháng 9 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xúc tiến đầu tư  tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Tây Ninh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

-Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KHĐT;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ TP;
- TT/TU;
- TT/HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT/VP.UBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên



 

CHƯƠNG TRÌNH

 XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN  2007–2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 35/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Tây Ninh là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu quốc tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước khác. Tây Ninh có đầy đủ điều kiện tự nhiên và cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững.

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, so với một số tỉnh trong vùng, Tây Ninh vẫn là tỉnh đi sau một bước trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Nhằm ngày càng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh Tây Ninh, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tạo chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, giai đoạn 2007-2010 cần đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Huy động mọi nguồn lực, xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và lành mạnh; có kết cấu hạ tầng đồng bộ và gắn kết thông suốt hiệu quả. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Dịch vụ hỗ trợ phong phú, chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và xúc tiến đầu tư nói riêng; rút ngắn dần khoảng cách về thu hút đầu tư với các địa phương trong khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh.

- Xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

- Phấn đấu thu hút vốn đăng ký trong, ngoài nước đạt mục tiêu 850 triệu USD vào năm 2010; trong đó, tập trung xây dựng các dự án lớn để xúc tiến và kêu gọi đầu tư, chú ý các dự án phát triển du lịch; kết hợp chặt chẽ giữa xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch.

II. GIẢI PHÁP:

1. Xây dựng và quảng bá hình ảnh Tây Ninh-địa bàn có nhiều tiềm năng, cơ hội và điều kiện tốt để đầu tư:

Trên tinh thần trân trọng các nhà đầu tư, xem nhà đầu tư và các doanh nghiệp là “đối tượng phục vụ”, là “đối tác tin cậy” của các cơ quan quản lý nhà nước…tập trung xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các ngành chức năng trong quản lý đầu tư, thương mại, du lịch nói riêng và điều hành kinh tế xã hội nói chung phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt chú trọng thực hiện “một cửa, liên thông”, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan, đồng thời, tăng cường phân cấp và gắn trách nhiệm rõ ràng đi đôi với việc tăng cường cơ chế giám sát. Hoàn thiện, thường xuyên cập nhật, phổ biến rộng rãi, thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, các qui định về đất đai, bảo vệ môi trường…đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Quan tâm, đối xử tốt với nhà đầu tư hiện hữu để xây dựng hình ảnh Tây Ninh bằng phương pháp lan toả, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhà đầu tư khi họ gặp khó khăn. Cần khẳng định việc tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất, là một kênh thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Tây Ninh. Bên cạnh đó, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh cần có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những dự án chậm triển khai hoặc triển khai cầm chừng của những nhà đầu tư thiếu năng lực hoặc lập dự án để giữ đất; các doanh nghiệp vi phạm pháp luật…

Thường xuyên rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế để khai thác được lợi thế của từng khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng. Trước mắt, trong khi tiềm lực của tỉnh có hạn, tập trung đầu tư vào một số đường giao thông và những lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp có lợi thế nhất, tạo được sự bứt phá làm tiền đề để phát triển các bước tiếp theo. Nghiên cứu và thực hiện các chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức trong xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tăng cường đào tạo, đào tạo lại nhằm đáp ứng, bổ sung kịp thời về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành, các cấp và doanh nghiệp; thu hút sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong, ngoài nước, các doanh nghiệp và sự nỗ lực của bản thân người lao động trong đào tạo nghề nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về lao động kỹ thuật của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Tạo điều kiện và có chính sách thu hút nhân tài, các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học, công nhân có tay nghề, lao động có kinh nghiệm… đến sinh sống và lao động tại tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, chú ý đến việc bố trí, sử dụng lao động, tạo môi trường làm việc tốt để họ phát huy hết năng lực và nhiệt tâm của mình.

Phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ dự án, doanh nghiệp như ngân hàng, tín dụng, dịch vụ logistics...tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thanh toán, vay vốn, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nâng cao chất lượng của ngành y tế, giáo dục- đào tạo, văn hóa-xã hội nhằm tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư trong việc chăm sóc sức khoẻ, hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí…

Quảng bá hình ảnh Tây Ninh nơi có nhiều cơ hội tốt đầu tư; ngoài môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện còn có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều lợi thế trong đầu tư sản xuất kinh doanh; đặc biệt là điều kiện khí hậu ôn hòa, không bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lụt; có địa hình cao, bằng phẳng, địa chất công trình tốt, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…

[...]