Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 349/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 349/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2009
Ngày có hiệu lực 01/09/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Xuân Huế
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 349/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vât liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 644/TTr-SXD ngày 20/7/2009 và Báo cáo thẩm định số 643/BC-HĐTĐ ngày 20/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển:

- Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch kết cấu hạ tầng của tỉnh, để đảm bảo tính khoa học và khả thi cao. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng phải đi đôi với quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để đảm bảo bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích văn hoá, lịch sử, cảnh quan và đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở phát huy nội lực của ngành và của tỉnh, tận dụng tiềm năng thiên nhiên, lao động và nguồn lực cho đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế. Xem năng lực nội sinh của ngành là nền tảng để phát triển nhằm tiết kiệm vốn đầu tư, đưa nhanh sản phẩm vào thị trường, tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhằm chống độc quyền trong sản xuất và lưu thông phân phối vật liệu xây dựng, tạo động lực cho việc cải tiến công nghệ, cải tiến công tác quản lý nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và nước ngoài.

- Tập trung phát triển sản xuất xi măng, gạch ngói và khai thác đá cát sỏi, xem đây là những hướng đầu tư chính của ngành vật liệu xây dựng ở tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, chú trọng phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng mới có chất lượng cao phục vụ cho xây dựng đô thị, các khu thương mại và du lịch ... và quan tâm đúng mức đến việc phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng rẻ tiền, trước mắt là các loại vật liệu xây, lợp cho xây dựng nhà ở cũng như vật liệu cho xây dựng đường xá, kênh mương thuỷ lợi ... ở các khu vực có khả năng chi trả hạn chế.

- Lựa chọn qui mô đầu tư hợp lý đối với từng chủng loại vật liệu xây dựng, bố trí sản xuất gần các vùng nguyên liệu và các vùng tiêu thụ để phù hợp với đặc thù của đa số các chủng loại vật liệu xây dựng là nặng và cồng kềnh, khối lượng sử dụng thường lớn, đồng thời thích ứng với từng thời kỳ tuỳ theo năng lực tiếp thu công nghệ sản xuất và tập quán sử dụng vật liệu xây dựng của tỉnh. Đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng có khả năng hướng tới thị trường trong nước cần tranh thủ tối đa các cơ hội để mạnh dạn đi vào các công nghệ tiên tiến, không nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ tiêu tốn nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường; đồng thời cần đầu tư quy mô lớn, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

2. Mục tiêu phát triển:

Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và phát huy lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, để đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng của tỉnh, cung ứng các sản phẩm vật liệu xây dựng ra ngoài tỉnh và ngoài nước. Tập trung đầu tư mở rộng sản xuất xi măng nghiền, vật liệu ốp lát, các sản phẩm vật liệu xây dựng hữu cơ từ sản phẩm và chế phẩm dầu mỏ, các sản phẩm vật liệu xây dựng mới; đồng thời chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ sở lò đứng nung gạch, các dây chuyền khai thác đá, cát thủ công…, nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ở tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo tích luỹ cho việc tái sản xuất mở rộng của ngành và giải quyết việc làm cho người lao động đang là một trong những vấn đề bức bách của xã hội.

II. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG ĐẾN 2020

1. Xi măng:

Đầu tư các trạm nghiền xi măng tại tỉnh để chủ động giải quyết nhu cầu xi măng cho xây dựng của tỉnh và cung ứng cho các tỉnh lân cận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ; đồng thời tận dụng tốt nguồn phụ gia puzolan chất lượng cao cho sản xuất. Trong tương lai sẽ chuyển một phần sang sử dụng tro xỉ luyện kim làm phụ gia để sản xuất sản phẩm xi măng xỉ, sử dụng cho các công trình xây dựng trên biển và trên đất liền ở vùng ven biển là những khu vực có mức độ xâm thực mạnh. Đưa năng lực sản xuất xi măng nghiền của tỉnh đạt 1,5 triệu tấn vào năm 2015 và 2,0 triệu tấn vào năm 2020.

2. Đá xây dựng:

- Tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác đá hiện có của tỉnh để giảm bớt đầu mối khai thác, trên cơ sở liên doanh, liên kết để tận dụng kết quả đã đầu tư của các doanh nghiệp vào việc bóc tầng phủ, làm đường và tận dụng thiết bị đã có để nâng cao năng lực khai thác vào một số khu vực khai thác tập trung. Tuỳ theo thị trường tiêu thụ từng khu vực, sẽ hình thành ở mỗi địa bàn một cơ sở khai thác để cung ứng cho xây dựng tại chỗ ; riêng khu vực Bình Sơn, Sơn Tịnh có thể đầu tư nhiều cơ sở và với qui mô lớn để cung cấp cho thị trường thành phố Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường và các khu đô thị, khu công nghiệp trong vùng. Các mỏ thuộc Khu kinh tế Dung Quất sẽ giảm dần sản lượng tiến tới ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho nhà máy lọc hoá dầu và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường cho khu vực.

- Qui mô khai thác phải đạt tối thiểu 100 ngàn m3/năm như Chỉ thị số 18/2008/CT-TTg ngày 06/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác. Đối với các huyện miền núi, như : Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ là các huyện có nhu cầu thấp và không có nhiều khu vực tiêu thụ tập trung có thể tồn tại qui mô khai thác < 100 thậm chí < 50 ngàn m3/năm ; tập trung đầu tư khai thác đá cho xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi kết hợp cung cấp đá cho xây dựng dân dụng của Nhà nước và nhân dân trong khu vực. Các mỏ phải được thăm dò, phải có thiết kế khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được cấp phép (kể cả các cơ sở khai thác hiện có được cấp phép khai thác tận thu nếu không đạt các điều kiện trên cũng sẽ ngừng gia hạn giấy phép khai thác).

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đầu tư phải tiến hành đồng bộ, ngoài thiết bị chế biến cần đầu tư phương tiện vận tải, đầu tư mở rộng khai trường, bến bãi, đường vận chuyển nội bộ, đường vận chuyển từ khu khai thác ra các trục giao thông chính để vận chuyển đá thành phẩm tới các hộ tiêu thụ.

- Áp dụng các giải pháp kĩ thuật trong khai thác và chế biến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời có các biện pháp phòng hộ lao động, các phương tiện bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trên sườn núi cao và trong khâu sử dụng vật liệu nổ.

- Đưa năng lực khai thác đá của tỉnh lên 1,855 triệu m3 đến năm 2015 và 2,65 triệu m3 đến năm 2020.

3. Cát xây dựng:

- Các khu vực có nguồn cát với trữ lượng lớn và có thị trường tiêu thụ như Bình Sơn, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi cần được phân vùng khai thác hợp lý, tập trung vào một số đầu mối, để đầu tư khai thác với qui mô lớn, sử dụng thiết bị khai thác cơ giới hoá để nâng cao năng lực khai thác, đồng thời tổ chức vận chuyển hợp lý để đảm bảo an toàn và gìn giữ vệ sinh môi trường.

- Tận dụng nguồn cát phân bố trên địa bàn tỉnh để hình thành các cơ sở khai thác cát tại các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành nhằm giải quyết nhu cầu xây dựng tại chỗ, hạn chế việc vận chuyển cát đi xa để giảm giá thành xây dựng.

- Thực hiện tốt việc cấp phép khai thác, đây chính là biện pháp quan trọng nhất để quản lý khai thác cát. Cấp phép khai thác chỉ tiến hành từng năm một, thậm chí 6 tháng một và không cấp phép khai thác vào mùa mưa lũ, để kịp thời chấn chỉnh những hoạt động khai thác cát không đảm bảo đúng qui định của pháp luật và gây ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn các hoạt động khai thác cát trái phép, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, đem lại lợi ích kinh tế cao cho trước mắt cũng như lâu dài ; đồng thời đảm bảo an toàn cho các dòng sông.

[...]