Quyết định 3465/QĐ-BYT năm 2024 phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3465/QĐ-BYT
Ngày ban hành 15/11/2024
Ngày có hiệu lực 15/11/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Văn Thuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3465/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC TRONG Y TẾ GIAI ĐOẠN 2024-2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 1121/TTg-CP ngày 25/09/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Y tế các bộ, ngành, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- VPCP (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- BNN, BTNMT, BCT;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC TRONG Y TẾ GIAI ĐOẠN 2024-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3465/QĐ-BYT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thuốc kháng vi sinh vật - bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng - là những loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật. Kháng thuốc xảy ra khi các vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc kháng vi sinh vật, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Do đó, thuốc mất tác dụng và nhiễm trùng vẫn tồn tại trong cơ thể, làm tăng nguy cơ lây lan cho người khác. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Nhiều yếu tố đã đẩy nhanh mối đe dọa kháng thuốc trên toàn thế giới - bao gồm việc sử dụng quá mức và không hợp lý thuốc ở người, vật nuôi và nông nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận kém với nước sạch và vệ sinh.

Kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu, do đó cần phải hành động liên ngành khẩn cấp để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Năm 2011, Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy chủ đề về tình trạng kháng thuốc toàn cầu: “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và kêu gọi các quốc gia phải có kế hoạch kịp thời để đối phó với tình trạng kháng thuốc.

Để đáp ứng với kháng thuốc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21 tháng 6 năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Kế hoạch hành động quốc gia đã được triển khai để đáp ứng tình trạng kháng thuốc. Nhận thức của người dân về kháng thuốc đã được tăng cường, Hệ thống giám sát kháng kháng sinh đã được thiếp lập và củng cố; mạng lưới giám sát về kiểm soát nhiễm khuẩn, năng lực chuyên môn về giám sát kháng kháng sinh, quản lý dữ liệu kháng thuốc đã được cải thiện, nhiều văn bản chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về xét nghiệm vi sinh, quản lý chất lượng xét nghiệm... đã được ban hành và triển khai. Hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng. Việc phòng, chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các Bộ Ngành, địa phương và toàn thể xã hội. Trước tình hình trên, việc xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc cho giai đoạn 2022-2030 là cần thiết để tăng cường sự chủ động tham gia và phối hợp giữa các ngành từ trung ương đến địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong lĩnh vực sức khoẻ con người, thú y, môi trường và công thương.

Ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật và thực vật. Chiến lược ban hành chính là sự cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc, tăng cường sự chủ động tham gia và phối hợp giữa các ngành từ trung ương đến địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong lĩnh vực sức khoẻ con người, thú y, môi trường. Chiến lược đặt ra bốn mục tiêu cụ thể: (1) Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; (2) Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; (3) Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; (4) Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc là thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế khác nhằm chống lại sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc. Chiến lược đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường giám sát, thúc đẩy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong y tế và nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của việc lạm dụng và sử dụng quá mức thuốc kháng vi sinh vật ở cả con người và động vật; xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành; Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng.

Căn cứ Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, căn cứ kết quả đạt được, khó khăn, khoảng trống khi triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế xây dựng “Kế hoạch hành động Phòng chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025” và sắp tới sẽ xây dựng cho giai đoạn 2026-2030.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến 2025

2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc.

a) Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện đạt 100%.

[...]