Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3458/QĐ-BNN-BVTV năm 2024 phê duyệt “Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3458/QĐ-BNN-BVTV
Ngày ban hành 11/10/2024
Ngày có hiệu lực 11/10/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hoàng Trung
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3458/QĐ-BNN-BVTV

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO SỨC KHỎE ĐẤT VÀ QUẢN LÝ DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 105/2022/QĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Đất là nguồn tài nguyên quan trọng, là tư liệu sản xuất đặc biệt, không thể tái tạo của sản xuất nông nghiệp, cần sự chăm sóc thường xuyên để ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng là vấn đề không thể tách rời, bổ trợ cho nhau, quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt.

3. Các hoạt động để nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng hợp lý cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân cũng như mỗi người sử dụng đất trên cơ sở phát huy những điều kiện, lợi thế sẵn của mỗi vùng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Hoàn thiện được bộ CSDL về chất lượng các loại đất chính (bao gồm các chỉ tiêu về lý, hóa và sinh học đất) và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.

b) Xây dựng được bộ chỉ tiêu và thang phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt.

c) Xây dựng, hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính.

d) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng từ Trung ương đến địa phương.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Hoàn thành trên phạm vi toàn quốc các mục tiêu đã đề ra cho năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.

III. NHIỆM VỤ

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng

a) Thống nhất hệ thống phân loại đất với bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất trong toàn quốc.

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sức khỏe đất trồng trọt và chất lượng phân bón.

[...]