Quyết định 3413/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3413/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lò Văn Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3413/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHĂN NUÔI GIA SÚC ĂN CỎ (TRÂU, BÒ, DÊ) THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN  TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/9/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của Trung ương, định hướng phát triển nông nghiệp gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

2. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh theo vùng trọng điểm nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp, lao động và truyền thống, kinh nghiệm của người dân trong chăn nuôi trâu, bò, dê để đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

3. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê): Tập trung chọn lọc, cải tạo đàn giống địa phương nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò, dê; chú trọng phát triển đàn trâu, bò, dê cái nền đạt chuẩn để chủ động sản xuất con giống thương phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

4. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt liên kết với hợp tác xã và các trang trại, nông hộ chăn nuôi.

5. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt, đồng thời xây dựng thương hiệu, quảng bá giống trâu, bò, dê và các sản phẩm từ thịt trâu, bò, dê Điện Biên.

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh cao, hiệu quả và phát triển bền vững; từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh, cung cấp số lượng trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có nguồn gốc, năng suất, chất lượng tốt; cung cấp sản lượng thịt và các sản phẩm từ thịt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.

2.1. Giai đoạn 2021-2025

- Phát triển đàn gia súc ăn cỏ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 3,15%/năm, trọng tâm theo hướng nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng của các giống vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, trong đó: Đàn trâu tăng bình quân 1,52%/năm, đến năm 2025 đạt 142.445 con, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 4.102 tấn. Đàn bò tăng bình quân 5,5%/năm, đến năm 2025 đạt 116.625 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 3.327 tấn. Đàn dê tăng bình quân 2,88%/năm, đến năm 2025 đạt 70.090 con, sản lượng thịt dê hơi xuất chuồng đạt 785 tấn.

- Phát triển sản phẩm: Phấn đấu đến năm 2025, các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, 100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu 25% được chế biến thành các sản phẩm như thịt trâu, bò sấy khô, hun khói, gác bếp; 40% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất ra ngoài tỉnh; 35% còn lại là tiêu thụ nội tỉnh. Đối với sản phẩm thịt dê, phấn đấu 70% sản lượng thịt nguyên con được xuất ra ngoài tỉnh; 30% còn lại tiêu thụ nội tỉnh.

- Diện tích trồng cỏ, cây thức ăn đến năm 2025 đạt 3.890 ha, đáp ứng trên 40% nhu cầu thức ăn cho trâu, bò, dê.

- Xây dựng 03 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi trâu, bò, dê.

- Tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong trang trại, tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi bình quân đạt khoảng 6,5%/năm; tăng tỷ lệ chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo phương thức bán chăn thả và nuôi nhốt đạt khoảng 70%; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.2. Mục tiêu đến năm 2030

- Đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn trâu, bò, dê có khoảng 385.260 con, trong đó: Đàn trâu đạt 152.040 con, có khoảng 15% được nuôi trong trang trại, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 5.838 tấn. Đàn bò đạt 152.425 con, có khoảng 20% được nuôi trong các trang trại, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 5.213 tấn. Đàn dê đạt 80.795 con, có khoảng 70% được nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát, sản lượng thịt dê hơi xuất chuồng đạt 1.062 tấn.

- Đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu 30% được chế biến thành các sản phẩm thịt trâu, bò sấy khô, hun khói, gác bếp, 45% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất sang các tỉnh bạn, các nước như Lào, Trung Quốc, 25% còn lại là tiêu thụ nội tỉnh; đối với sản phẩm thịt dê phấn đấu 75% sản lượng thịt nguyên con được xuất ra ngoài tỉnh, 25% còn lại tiêu thụ nội tỉnh.

- Diện tích trồng cỏ, cây thức ăn đáp ứng trên 70% nhu cầu cho đàn gia súc ăn cỏ.

- Xây dựng 06 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi trâu, bò, dê.

[...]