Quyết định 339/QĐ-TCLN-VP năm 2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp

Số hiệu 339/QĐ-TCLN-VP
Ngày ban hành 23/10/2020
Ngày có hiệu lực 23/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Quốc Trị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 339/QĐ-TCLN-VP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CITES VIỆT NAM THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 28/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp, Quyết định số 24/2020/QĐ-TTg ngày 27/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2017/QĐ-TTg;

Căn cứ Quyết định số 2903/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân cấp cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục, Cục;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Tổng cục.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam là tổ chức thuộc Tổng cục Lâm nghiệp có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng cục trưởng thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES).

2. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có con dấu để thực hiện nhiệm vụ cấp phép và giao dịch quốc tế; Tổng cục Lâm nghiệp đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp, Thành phố Hà Nội.

Tên giao dịch Quốc tế: The Viet Nam CITES Management Authority.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Tổng cục trưởng:

a) Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, đề án, dự án, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thực thi Công ước CITES; Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các cơ sở nuôi, trồng động vật, thực vật quy định tại các Phụ lục của CITES. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo quy định.

b) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình, quy phạm kỹ thuật về nuôi các loài động vật hoang dã thuộc CITES.

2. Tham gia, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên CITES:

- Tổ chức, thực hiện các Nghị quyết, quyết định của CITES, xây dựng báo cáo quốc gia hàng năm về thực thi CITES và các báo cáo kỹ thuật theo yêu cầu của Ban thư ký, Hội nghị các nước thành viên và các Ủy ban.

- Cấp, thu hồi giấy phép, chứng nhận quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.

- In ấn, phát hành giấy phép, giấy chứng nhận CITES.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES.

- Hướng dẫn, cấp, hủy mã số cơ sở nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc các Phụ lục CITES; đăng ký với Ban Thư ký CITES các cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I CITES vì mục đích thương mại đủ điều kiện xuất khẩu.

- Chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES tại khu vực cửa khẩu.

- Tham mưu thành lập đoàn công tác dự các kỳ Hội nghị các nước thành viên, các cuộc họp Ủy ban Thường trực, Ủy ban thực vật, Ủy ban động vật.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực thi CITES tại Việt Nam.

4. Chủ trì phối hợp với các bên có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan về việc thực thi CITES theo quy định của CITES và pháp luật Việt Nam.

[...]