ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3357/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 07 tháng 09 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH
VỰC THỂ DỤC, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ VĂN HÓA, THỂ
THAO VÀ DU LỊCH TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP
ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP
ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn đánh giá tác động của thủ tục
hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 347/QĐ-UBND
ngày 25/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ
tục hành chính năm 2017;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2263/TTr-SVHTTDL ngày 24/8/2017 và Giám
đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 1008/STP-KSTTHC ngày 24/7/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành
chính lĩnh vực du lịch và 01 thủ tục hành chính lĩnh vực thể dục, thể thao thuộc
thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (có Phương án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo báo
cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh, kèm phương án
đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính đã được thông qua tại Quyết
định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ
quản lý ngành, lĩnh vực.
Điều 3. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các
sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4 Quyết định;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Cục Kiểm soát TTHC - VP
Chính phủ (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thị Thìn
|
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC THỂ DỤC, THỂ THAO VÀ LĨNH VỰC
DU LỊCH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH
THANH HÓA
(Kèm theo Quyết định số 3357/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
I. Thủ tục: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của
doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao
1. Nội dung đơn giản hóa:
Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bỏ Bản sao Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng
nhận bồi dưỡng nhân viên chuyên môn; Bản sao văn bằng, chứng chỉ nhân viên cứu
hộ; Bản sao văn bằng, chứng chỉ nhân viên y tế.
* Lý do:
- Tại Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị
các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao (có mẫu) đã có nội dung về số lượng
và trình độ chuyên môn của từng nhân viên.
- Điều 11 Nghị định số 106/2016/NĐ-CP
quy định cơ quan cấp phép phải thực hiện thẩm định các điều kiện kinh doanh của
doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan cấp phép có thể yêu cầu doanh nghiệp xuất trình,
báo cáo các văn bằng, chứng chỉ của nhân viên làm việc tại cơ sở.
- Trong quá trình thực hiện, nhân
viên chuyên môn, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ có thể bị
thay đổi, dễ biến động mà cơ quan cấp phép không thể quản lý được. Vì vậy, việc
nộp văn bằng, chứng chỉ của nhân viên là không phù hợp.
2. Kiến nghị thực thi:
Sửa đổi Khoản 2 Điều 10 Nghị định số
106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, như sau: “2. Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện
kinh doanh hoạt động thể thao theo Mẫu 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (có kèm theo bản sao Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp).”
3. Lợi
ích phương án đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn
giản hóa: 7.523.438 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 6.368.750 đồng/năm.
- Tổng chi phí tiết kiệm: 1.154.688 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa:
15,0 %.
II. Thủ tục: Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao
cho khách sạn, làng du lịch
1. Nội dung đơn giản hóa:
1.1 Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
* Lý
do: Văn bản chưa quy định đối với trường hợp nộp qua đường bưu điện. Đề nghị sửa đổi khoản 2.1, Mục 2, phần
III Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008.
1.2. Thành phần hồ sơ: Đề nghị nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc
bản sao có giá trị pháp lý (đối với trường hợp nộp trực tiếp)
với các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận về đăng ký kinh
doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định thành lập
doanh nghiệp (nếu có);
- Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch đối với người quản lý;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an
ninh, trật tự;
- Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ
quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với khách sạn, nhà nghỉ du lịch cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên khi
xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an
toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).
- Văn bằng, chứng chỉ về tính độ chuyên môn, ngoại ngữ của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo
vệ.
* Lý do:
Ngoài việc yêu cầu nộp bản sao các giấy tờ trên có giá trị pháp lý cần quy định
thêm đối với việc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu
nhằm tiết kiệm chi phí khi đi chứng thực các loại giấy tờ trên đồng thời tiết
kiệm được thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính này.
1.3. Thời hạn giải quyết: Quy định thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
hồ sơ hợp lệ.
* Lý do:
Nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục hành
chính, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhanh các giấy tờ pháp lý theo
quy định, thuận lợi trong quá trình hoạt động kinh doanh.
1.4. Bãi bỏ yêu cầu giấy tờ trong thành phần hồ sơ:
+ Bãi bỏ giấy tờ 1: Biên lai nộp lệ phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch
theo quy định hiện hành.
* Lý do:
Không thể thực hiện được. Vì cơ sở lưu trú du lịch không thể có biên lai thẩm định
trước khi nộp hồ sơ, chỉ có biên lai khi cơ sở lưu trú du lịch hoàn thiện hồ sơ
nộp cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau đó Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mới
cấp cho cơ sở lưu trú du lịch biên lai lệ phí thẩm định.
+ Bãi bỏ giấy tờ 2: Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của
cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với khách sạn, nhà nghỉ du lịch
cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên khi xây
dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng.
* Lý do:
Vì tại khoản 3, Điều 7, Chương II và khoản 3, Điều 19, Chương IV, Nghị định số
96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một
số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã quy định thành phần hồ sơ cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự có bản sao hợp lệ các giấy tờ,
tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi điểm d, khoản 1.1, Mục 1,
Phần III Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008, từ "bản sao có
giá trị pháp lý" hoặc "bản phô tô kèm bản chính để đối chiếu" đối
với các giấy tờ sau: Đăng ký kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định
thành lập doanh nghiệp (nếu có); Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật
tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu
trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).
- Sửa đổi khoản 1.2, Mục 1, Phần III
Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 như sau: “Hồ sơ đăng ký hạng
từ 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1.1 mục 1 Phần III Thông
tư này, thêm bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ
của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo vệ”.
- Sửa đổi khoản 1, Điều 1, Thông tư số
19/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như sau: “d.
Bản sao có giá trị pháp lý hoặc bản sao kèm
bản chính để đối chiếu: Giấy chứng nhận về đăng ký
kinh doanh của cơ sở lưu trú
du lịch, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có); Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
(đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).
- Sửa đổi khoản 2, Điều 1, Thông tư số
19/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao
và Du lịch như sau: "2.1. Trong thời
hạn 3 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch
phải gửi một bộ hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du
lịch qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch để thẩm định, xếp hạng hoặc trình cơ quan
có thẩm quyền, xếp hạng theo quy định."
- Bãi bỏ điểm đ, tiểu mục 1.1, Mục 1,
Phần III Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL
ngày 30/12/2008 và quy định về "Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy đối với khách sạn, nhà nghỉ du lịch
cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3
trở lên khi xây dựng mới, cải
tạo hoặc thay đổi tính
chất sử dụng" tại khoản 1, Điều 1, Thông tư
số 19/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và
Du lịch.
3. Lợi
ích phương án đơn giản hóa:
+ Chi phí tuân thủ TTTHC trước khi đơn giản hóa: 94.225.500 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn
giản hóa: 75.105.000 đồng/năm.
+ Tổng chi phí tiết kiệm: 19.120.500
đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa:
20,29%.
III. Thủ tục: Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng đạt tiêu chuẩn
kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại
du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú
du lịch khác.
1. Nội dung đơn giản hóa:
1.1. Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc qua đường
bưu điện.
* Lý do:
Văn bản chưa quy định đối với trường hợp nộp qua đường bưu
điện. Đề nghị sửa đổi tiểu mục 2.1, Mục 2, Phần III
Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày
30/12/2008.
1.2. Thành phần hồ sơ: Đề nghị nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có giá trị
pháp lý (đối với trường hợp nộp trực tiếp) với các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận về đăng ký kinh
doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có);
- Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận
bồi dưỡng nghiệp vụ và thời gian làm việc trong lĩnh vực du
lịch đối với người quản lý;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an
ninh, trật tự;
- Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm
thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối
với khách sạn, nhà nghỉ du lịch cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ
5.000 m3 trở lên khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử
dụng;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ
ăn uống).
* Lý do:
Ngoài việc yêu cầu nộp bản sao các giấy tờ trên có giá trị pháp lý cần quy định thêm đối với việc nộp bản sao kèm bản chính
để đối chiếu nhằm tiết kiệm chi phí khi đi chứng thực các loại giấy tờ trên đồng
thời tiết kiệm được thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính này.
1.3. Thời hạn giải quyết: Quy định thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ
sơ hợp lệ.
* Lý do:
Nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục hành
chính, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhanh các giấy tờ pháp lý theo
quy định, thuận lợi trong quá trình hoạt động kinh doanh.
1.4. Bãi bỏ yêu cầu giấy tờ
trong thành phần hồ sơ:
+ Bãi bỏ giấy tờ 1: Biên lai nộp lệ
phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch theo quy định hiện hành.
* Lý do:
Không thể thực hiện được. Vì cơ sở lưu trú du lịch không thể có biên lai thẩm định trước khi nộp hồ sơ, chỉ có biên lai khi cơ sở
lưu trú du lịch hoàn thiện hồ sơ nộp cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Sau đó
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mới cấp cho cơ sở lưu trú du lịch biên lai lệ
phí thẩm định.
+ Bãi bỏ giấy tờ 2: Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của
cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với khách sạn, nhà nghỉ du lịch
cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên khi xây
dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng.
* Lý do:
Vì tại Khoản 3, Điều 7, Chương II và Khoản 3, Điều 19, Chương IV, Nghị định số
96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một
số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã quy định thành phần hồ sơ cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự có bản sao hợp lệ các giấy tờ,
tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi Điểm d, Khoản 1.1, Mục 1,
Phần III Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008, từ "bản sao có
giá trị pháp lý" hoặc "bản phô tô kèm bản chính để đối chiếu"
đối với các giấy tờ sau: Đăng ký kinh doanh của cơ sở lưu
trú du lịch, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có); Giấy chứng nhận đủ điều
kiện về an ninh, trật tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
(đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).
- Sửa đổi Khoản 1, Điều 1, Thông tư số
19/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/2014 của
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như sau: “d. Bản sao có giá trị pháp lý hoặc
bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Giấy chứng nhận về đăng ký kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch quyết định thành lập doanh nghiệp
(nếu có); Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh,
trật tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú
du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).”
- Sửa đổi Khoản 1.2, Mục 1, Phần III
Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày
30/12/2008 như sau: “Hồ sơ đăng ký hạng từ 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp, ngoài các giấy
tờ quy định tại Khoản 1.1, Mục 1, Phần III Thông tư này, thêm bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn,
ngoại ngữ của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo vệ”.
- Bãi bỏ điểm đ, tiểu mục 1.1, Mục 1,
Phần III Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 và quy định về "Văn
bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy đối với khách sạn, nhà nghỉ du lịch cao từ 05 tầng
trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên khi xây dựng mới, cải
tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng" tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 19/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
3. Lợi
ích phương án đơn giản hóa:
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn
giản hóa: 84.469.375 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản
hóa: 68.881.250 đồng/năm.
+ Tổng chi phí tiết kiệm: 15.588.125
đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa:
18,45%.
IV. Thủ tục: Thẩm định lại, xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch:
hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du
lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch
thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác.
1. Nội dung đơn giản hóa:
1.1. Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc qua
đường bưu điện.
* Lý do: Văn
bản chưa quy định đối với trường hợp nộp qua đường bưu điện. Đề nghị sửa đổi
Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày
29/6/2016.
1.2. Thành phần hồ sơ: Đề nghị nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có giá trị
pháp lý (đối với trường hợp nộp hực tiếp) với các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy
chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của cơ sở lưu trú, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có thay đổi Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh
doanh);
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an
toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống).
* Lý do:
Nhằm tiết kiệm chi phí khi đi chứng thực các loại giấy tờ
trên đồng thời tiết kiệm được thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính này.
2. Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi điểm d, Khoản 1, Điều 3,
Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016 như sau: "d)
Yêu cầu nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp/ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định
thành lập doanh nghiệp (nếu có thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh); Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ
sinh an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống)".
3. Lợi
ích phương án đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 112.482.125 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn
giản hóa: 95.746.875 đồng/năm.
- Tổng chi phí tiết kiệm: 16.73 5.250
đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa:
15,0 %./.