Quyết định 335/2003/QĐ-BLĐTBXH quy định tạm thời các hình thức xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Malaysia do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 335/2003/QĐ-BLĐTBXH
Ngày ban hành 19/03/2003
Ngày có hiệu lực 19/03/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Lương Trào
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Vi phạm hành chính

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 335/2003/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 335/2003/QĐ-BLĐTBXH NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2003 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THÍ ĐIỂM ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC TẠI MALAYSIA

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 07/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ qui định việc người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
Căn cứ Công văn số 146/VPCP-VX ngày 08/3/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc Tổ chức thí điểm đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Malaysia;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý lao động với nước ngoài.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Doanh nghiệp thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Malaysia vi phạm một trong các nội dung dưới đây sẽ bị xử lý:

1. Đăng ký không đầy đủ hợp đồng cung ứng lao động sang Malaysia (từ 10% trở lên so với số đi);

2. Tuyển lao động qua trung gian;

3. Đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao động không đúng quy định;

4. Có trên 100 lao động mà không có cán bộ quản lý;

5. Ký hợp đồng với đối tác Malaysia trái với quy định (ví dụ: lương thấp hơn quy định, thuế cao hơn Luật Malaysia quy định...);

6. Có lao động bỏ trốn, đánh nhau, nghỉ việc tập thể, đình công.... nhưng không giải quyết kịp thời, dứt điểm gây ảnh hưởng đến uy tín lao động Việt Nam tại thị trường Malyasia;

7. Thu tiền của người lao động không đúng quy định;

8. Thực hiện không đầy đủ và đúng hạn chế độ báo cáo theo qui định.

Điều 2: Các hình thức xử lý:

1. Cảnh cáo, thông báo cho cơ quan chủ quản và các doanh nghiệp nếu vi phạm một đến hai nội dung nêu trên tại Điều 1 nhưng hậu quả chưa nghiêm trọng;

2. Tạm đình chỉ đưa lao động sang Malaysia từ 1 đến 2 tháng để củng cố nếu vi phạm đồng thời từ 2 đến 3 nội dung nêu tại Điều 1, hoặc có vụ việc tranh chấp giải quyết không kịp thời (quá thời hạn 7 ngày mà không giải quyết xong hoặc không quản lý để lao động bị bắt, bỏ trốn...), gây tình hình phức tạp hoặc gây ảnh hưởng xấu đến lao động Việt Nam tại Malaysia;

3. Tạm đình chỉ đưa lao động sang Malaysia từ 3 đến 6 tháng để củng cố nếu vi phạm từ 4 nội dung trở lên nêu tại Điều 1;

4. Đình chỉ đưa lao động sang Malaysia nếu đã bị xử lý theo khoản 2, 3 Điều này nhưng lại vi phạm một trong các nội dung nêu tại Điều 1.

Điều 3: Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài có trách nhiệm:

1. Xử lý doanh nghiệp vi phạm theo qui định tại khoản 1, 2 Điều 2 và báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả xử lý bằng văn bản;

2. Trình lãnh đạo Bộ xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm theo qui định tại khoản 3, 4 Điều 2;

3. Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc doanh nghiệp chấp hành quyết định xử lý và báo cáo Bộ bằng văn bản.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài, các doanh nghiệp thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Malysia và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Lương Trào

(Đã ký)