Quyết định 33/2005/QĐ-BGTVT ban hành Quy định tạm thời về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tầu hoả của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 33/2005/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 21/07/2005
Ngày có hiệu lực 15/08/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 33/2005/QĐ-BGTVT NGÀY 21 THÁNG 7 NĂM 2005 BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ TRÊN TÀU HOẢ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ TRÊN TÀU HOẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2005/QĐ-BGTVTngày 21 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả; sự phối hợp giữa lực lượng bảo vệ trên tàu hoả và bảo vệ ga, giữa lực lượng bảo vệ trên tàu hoả, thanh tra đường sắt và lực lượng công an, chính quyền địa phương các cấp nơi có ga, tuyến đường sắt đi qua.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia hoặc có hoạt động liên quan đến đường sắt quốc gia.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

1. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả là lực lượng thuộc bộ máy tổ chức và quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, bao gồm cán bộ, viên chức, nhân viên đảm nhiệm công việc liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của doanh nghiệp, của người thuê vận tải và của hành khách đi tàu. Việc tổ chức lực lượng bảo vệ trên tàu hoả do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Việc trang bị, quản lý trang phục, phù hiệu, thiết bị và công cụ hỗ trợ cần thiết cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả phải được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thông tư số 10/2002/TT-BCA(A11) ngày 26 tháng 8 năm 2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2001; Nghị định số 47/ CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 4. Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Chịu trách nhiệm về hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả trong phạm vi quản lý của mình. Chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ trên các chuyến tàu.

2. Căn cứ vào tính chất, tình hình cụ thể để quyết định hình thức tổ chức, bố trí lực lượng, kế hoạch huấn luyện và trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả theo quy định của pháp luật.

3. Chủ trì, phối hợp với thanh tra đường sắt, các lực lượng công an, chính quyền địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đường sắt nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các chuyến tàu, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của hành khách, hành lý và hàng hoá.

4. Tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác bảo vệ của Bộ Công an.

[...]