Quyết định 322/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”

Số hiệu 322/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/04/2017
Ngày có hiệu lực 19/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Xét đề nghị của Trưởng ban Dân tộc tại Tờ trình số 10/TTr-BDT ngày 11 tháng 4 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- Các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số: 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

ĐẶT VẤN ĐỀ

1. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, 874 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó: có 61 xã và 50 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn III. Có 02 huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ (Kon Plong, Tu Mơ Rông) và 3 huyện mới được Chính phủ cho hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a (Đắk Glei, Kon Rẫy, Sa Thầy), có 13 xã biên giới1. Dân số toàn tỉnh 495.876 người, trong đó DTTS chiếm 53,25% tổng dân số toàn tỉnh, với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê (Hre); có 4 tôn giáo chính gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa và biên giới địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, có hơn 66,2% dân cư sinh sống ở vùng nông thôn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, đời sống về vật chất và tinh thần còn nhiều hạn chế.

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ tại tỉnh Kon Tum từ xa xưa do nhu cầu của cuộc sống đã xuất hiện những nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm, ... Nghề truyền thống đã vun đắp hội tụ được các nghệ nhân tài trí sáng tạo, những bàn tay vàng, khéo léo làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, hoàn mỹ vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa; đồng thời; mỗi một nghề, một sản phẩm vừa có giá trị làm ra vật dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của các DTTS tại chỗ tại tỉnh Kon Tum. Những sản phẩm đó được những bàn tay, khối óc người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng. Chính vì vậy, sản phẩm nghề truyền thống là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự thay đổi của xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa; sự phát triển của kinh tế thị trường đã xâm nhập sâu vào từng thôn, làng, hộ gia đình của người DTTS, do tác động đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của đồng bào, từ đó ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các nghề truyền thống, một số nghề có giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một.

Do đó, cần có một chương trình tổng thể nhằm định hướng cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các DTTS tại chỗ; tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị, các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả: kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực để phát triển nghề, đào tạo nghề cho lao động DTTS tại chỗ, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Kon Tum2. Vì vậy, việc xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum" là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/02/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

- Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”;

- Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

- Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

- Quyết định số 123/2014/QĐ-TTg ngày 25/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ;

[...]