Quyết định 32/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với hoạt động của khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội

Số hiệu 32/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/09/2017
Ngày có hiệu lực 08/10/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2017/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật: Phòng cháy chữa cháy ngày 29/6/2001; Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy ngày 22/11/2013; Luật Thanh tra ngày 15/11/2010; Luật Lao động ngày 18/6/2012; Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Luật Đầu tư ngày 26/11/2014; Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014; Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23/6/2014; Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tại Tờ trình số 1162/TTr-BQL ngày 27/7/2017; Báo cáo thẩm định số 1598/STP-VBPQ ngày 26/7/2017 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 10 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực: TU, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cạc Báo: HNM, KT&ĐT; Đài PT&TH HN;
- Cổng giao tiếp điện tử Thành phố;
- VPUB: các PCVP, các Phòng CV, TT THCB:
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Toản

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND ngày 28/9/2017 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, lĩnh vực phối hợp và trách nhiệm phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) với các cơ quan chuyên môn cùng các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) có khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các hoạt động khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng.

Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; các cơ quan quản lý chuyên ngành; UBND cấp huyện có khu công nghiệp trên địa bàn; các tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc liên quan đến quản lý và hoạt động của khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

1. Khu công nghiệp (viết tắt là KCN) bao gồm các khu công nghiệp, khu công nghệ cao thuộc thành phố Hà Nội quản lý là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp, công nghệ cao và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định pháp luật Việt Nam hiện hành;

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành bao gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng (Thanh tra xây dựng); Cục Thuế thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội thực hiện quản lý trên các lĩnh vực đầu tư, môi trường, thương mại, xây dựng, lao động, thuế, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

[...]