BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 316/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ TUYÊN DƯƠNG HỌC SINH, SINH VIÊN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP XUẤT SẮC,
TIÊU BIỂU
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng
02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng
02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30
tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy
chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, cao đẳng;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục
nghề nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tuyên dương học
sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng
cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực
thuộc TW;
- Các cơ sở GDNN;
- Trung tâm thông tin (để đăng Cổng);
- TCGDNN (để đăng Website);
- Lưu: VT, TCGDNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Dũng
|
QUY CHẾ
TUYÊN
DƯƠNG HỌC SINH, SINH VIÊN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP XUẤT SẮC, TIÊU BIỂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 316/QĐ-LĐTBXH, ngày 05/4/2022 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về xét chọn và tổ chức lễ
tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu trong
học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống.
2. Đối tượng áp dụng là Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp và học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Điều 2. Mục đích và yêu cầu
1. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của
Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy
mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động
và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
2. Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề
nghiệp xuất sắc, tiêu biểu là hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu
trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng môi trường và tạo động lực cho học
sinh, sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện về
năng lực, phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục
nghề nghiệp.
3. Việc xét chọn và tổ chức lễ tuyên dương học
sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu được tổ chức định kỳ hằng
năm; đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, chính xác nhằm tạo động lực học tập
và rèn luyện trong học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Điều 3. Hình thức khen thưởng, gồm:
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội;
- Biểu trưng tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục
nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu;
- Tiền mặt;
- Quà tặng và các phần thưởng khác (nếu có).
Điều 4. Cơ quan thường trực
Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục
nghề nghiệp là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện xét chọn và tổ chức lễ
tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu.
Điều 5. Kinh phí tổ chức
1. Kinh phí xét chọn, tiền thưởng và tổ chức lễ
tuyên dương cấp toàn quốc được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Tổng
cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm và các
nguồn huy động tài trợ hợp pháp khác.
2. Kinh phí tổ chức xét chọn và tổ chức lễ tuyên
dương cấp tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố bố trí kinh phí hằng năm và các nguồn huy động tài trợ hợp pháp
khác.
3. Kinh phí xét chọn, tiền thưởng và tổ chức lễ
tuyên dương cấp cơ sở do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự cân đối từ nguồn
ngân sách đã được cấp và các nguồn huy động tài trợ hợp pháp khác.
Chương II
TIÊU CHUẨN XÉT CHỌN
Điều 6. Tiêu chuẩn chung
1. Kết quả học tập, nghiên cứu của năm học
2. Kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống của năm học
Điều 7. Tiêu chuẩn cụ thể
1. Tiêu chuẩn về học tập, nghiên cứu
a) Tiêu chí kết quả học tập
- Học sinh, sinh viên có kết quả học tập đạt loại
xuất sắc: từ 3,6/4 trở lên đối với các trường đào tạo theo học chế tín
chỉ hoặc từ 9,0/10 trở lên đối với các trường đào tạo theo niên chế.
- Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu
số có kết quả học tập: Đạt loại giỏi trở lên: từ 3,2/4 trở lên đối với
các trường đào tạo theo học chế tín chỉ hoặc từ 8,0/10 trở lên đối với
các trường đào tạo theo niên chế.
- Đối với học sinh, sinh viên đạt giải thưởng các kỳ
thi quốc gia, khu vực, thế giới có kết quả học tập: Đạt từ loại khá trở lên: từ
2,5/4 trở lên đối với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ hoặc từ 7,0/10
trở lên đối với trường đào tạo theo niên chế.
- Kết quả học tập xét chọn là kết quả của năm học
xét chọn tuyên dương.
b) Đạt thêm một trong các tiêu chí sau:
- Có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất, nhì,
ba cấp trường trở lên hoặc được Hội đồng khoa học cấp trường trở lên xếp loại
Giỏi, Xuất sắc.
- Có bài tham luận tham gia các hội nghị, hội thảo
khoa học từ cấp trường trở lên.
- Có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế, cấp
giấy phép xuất bản.
- Đạt giải thưởng nhất, nhì, ba các cuộc thi liên
quan nghiên cứu, chuyên môn, tay nghề, khởi nghiệp, sáng tạo khoa học cấp tỉnh
trở lên.
2. Tiêu chuẩn về rèn luyện đạo đức, lối sống
a) Tiêu chí kết quả rèn luyện đạo đức
- Học sinh, sinh viên xếp loại rèn luyện đạt xuất sắc
hoặc từ 90 điểm trở lên (Thang điểm 100).
- Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, nội quy nơi cư trú và nơi học
tập.
- Không vi phạm đạo đức, pháp luật và các quy chế, nội
quy của nhà trường, quy định của địa phương, pháp luật của nhà nước.
- Kết quả rèn luyện đạo đức xét chọn là kết quả của
năm học xét chọn tuyên dương.
b) Đạt thêm một trong các tiêu chí sau
- Tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội và các
hoạt động tình nguyện cấp trường tổ chức trở lên.
- Đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba một trong các
cuộc thi: nâng cao nhận thức của học sinh về kiến thức pháp luật; tìm hiểu lịch
sử, văn hóa dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh từ cấp trường trở lên.
- Đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ cấp tỉnh trở lên.
Chương III
SỐ LƯỢNG, QUY TRÌNH, HỒ
SƠ XÉT CHỌN
Điều 8. Số lượng xét chọn
Số lượng xét chọn tuyên dương tối đa 200 học sinh,
sinh viên, số lượng cụ thể do Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên xuất sắc,
tiêu biểu cấp toàn quốc xem xét quyết định trên cơ sở hồ sơ thực tế.
Điều 9. Quy trình, hồ sơ
1. Quy trình xét chọn
a) Cấp cơ sở (cấp trường)
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức lựa chọn, đề
xuất Danh sách học sinh, sinh viên đủ tiêu chuẩn kèm theo bản chụp tài liệu chứng
minh đáp ứng tiêu chí tại điểm b, khoản 1, Điều 7, gửi Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Cấp tỉnh
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổ chức xét chọn học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu
biểu tổ chức xét chọn, đề xuất Danh sách học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn kèm theo bản chụp tài liệu chứng minh đáp ứng tiêu chí tại điểm b, khoản 1, Điều 7, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
c) Cấp toàn quốc
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức xét chọn theo
danh sách đề xuất học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu
của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và trình lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng, tuyên
dương.
2. Hồ sơ gồm
a) Công văn đề nghị của Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Danh sách học sinh, sinh viên đề nghị xét chọn
tuyên dương.
c) Báo cáo thành tích của học sinh, sinh viên được
đề nghị tuyên dương (có xác nhận của lãnh đạo Nhà trường)
d) Bảng kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện đạo
đức, lối sống của học sinh, sinh viên (có xác nhận của Hiệu trưởng)
đ) Bản sao (có xác nhận của Hiệu trưởng) các đề tài
nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào thực tế; bài tham luận
tại các hội nghị, hội thảo trong kỷ yếu; chứng nhận giải thưởng các kỳ thi, bằng
cấp sáng chế đã được công nhận; các bằng khen; giấy chứng nhận học lớp nhận thức
về Đảng và các minh chứng khác.
e) 02 ảnh màu (cỡ 4x6 cm), 01 file ảnh (cỡ 4x6 cm).
Điều 10. Hội đồng xét chọn
1. Hội đồng cấp cơ sở (trường)
a) Thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành
lập Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu cấp cơ sở.
b) Hội đồng cấp cơ sở có nhiệm vụ xét chọn, giới
thiệu học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của trường đáp ứng tiêu chí tại điểm b, khoản 1, Điều 7 Quy chế này.
2. Hội đồng cấp tỉnh
a) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng xét chọn học sinh,
sinh viên xuất sắc, tiêu biểu cấp tỉnh.
b) Hội đồng cấp tỉnh có nhiệm vụ xét chọn, giới thiệu
học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới
thiệu theo đúng các tiêu chuẩn và cung cấp đầy đủ các tài liệu hồ sơ học sinh,
sinh viên xuất sắc tiêu biểu theo Quy chế này.
3. Hội đồng cấp toàn quốc
a) Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
thành lập Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu
hằng năm.
b) Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc có nhiệm vụ kiểm
tra, đánh giá và xét chọn hồ sơ học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu theo
các tiêu tại Quy chế này, báo cáo lãnh đạo Bộ về kết quả xét chọn tuyên dương.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
1. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng
kế hoạch tổ chức thực hiện xét chọn và tổ chức lễ tuyên dương theo Quy chế này.
2. Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính dự toán
kinh phí và phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức thực hiện; phối hợp với Văn
phòng đề xuất bằng khen của Bộ trưởng cho học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu.
3. Thành lập Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc và ban
hành các văn bản hướng dẫn, hồ sơ gửi các đơn vị liên quan.
Điều 12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương
1. Tổ chức triển khai thực hiện việc xét chọn cấp tỉnh
theo Quy chế này; tùy thuộc vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để xem
xét, quyết định việc tổ chức tuyên dương cấp tỉnh.
2. Thành lập Hội đồng xét chọn cấp của tỉnh, thành
phố theo đúng các tiêu chuẩn tại Quy chế này.
3. Có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp thuộc chức năng quản lý triển khai thực hiện.
Điều 13. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Tổ chức triển khai thực hiện việc xét chọn cấp
cơ sở (trường) theo Quy chế này; tùy thuộc vào tình hình thực tế tại cơ sở để
xem xét, quyết định việc tổ chức tuyên dương cấp cơ sở.
2. Thành lập Hội đồng xét chọn cấp cơ sở và tổ chức
xét chọn theo đúng các tiêu chuẩn tại Quy chế này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Xử lý vi phạm
Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có hành vi báo cáo
không trung thực, thiếu trách nhiệm trong việc xét chọn; các cá nhân có hành vi
gian lận, cung cấp thông tin sai lệch thì tùy vào mức độ sẽ bị thu hồi hình thức
khen thưởng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc cần
sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc sửa đổi, đơn vị thường trực có trách nhiệm tổng
hợp, báo cáo để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định./.