Quyết định 3143/QĐ-BTP năm 2014 phê duyệt Đề án tăng cường biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp giai đoạn 2015 - 2020

Số hiệu 3143/QĐ-BTP
Ngày ban hành 21/11/2014
Ngày có hiệu lực 21/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3143/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CỦA BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHẠM VI, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Phạm vi

Đề án tập trung vào việc bảo đảm các điều kiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Bảo đảm việc thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp có hiệu quả, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập hiện nay, góp phần tăng cường và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đồng thời bảo đảm hoạt động giám định tư pháp đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao trách nhiệm và xác định cơ chế trách nhiệm của Lãnh đạo và cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan về vai trò, trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

- Bảo đảm thực hiện thống nhất và có hiệu quả vai trò đầu mối của Bộ Tư pháp trong việc điều phối hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước về giám định tư pháp.

- Bảo đảm cơ chế phối hợp hiệu quả, thông tin thông suốt giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

- Tăng cường và bảo đảm nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp.

3. Quan điểm chỉ đạo

- Các biện pháp bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp phải toàn diện, thực chất, có tính khả thi, tạo chuyển biến thực sự về chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

- Bám sát vào nội dung, yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp, Đề án “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, các văn bản khác có liên quan.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp; bảo đảm đáp ứng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin của yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp trong tình hình mới.

- Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện Đề án với lộ trình hợp lý, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Bộ Tư pháp.

1.1. Tăng cường chỉ đạo, quán triệt các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nhà nước giám định tư pháp thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm thống nhất về nhận thức trong hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp bằng các hình thức thích hợp.

[...]