Quyết định 307-TTg năm 1995 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010

Số hiệu 307-TTg
Ngày ban hành 24/05/1995
Ngày có hiệu lực 08/06/1995
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 307-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI KỲ 1995 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét Tờ trình số 377/TCDL ngày 24 tháng 4 năm 1995 của Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010" số 377/TCDL ngày 24 tháng 4 năm 1995 của Tổng cục Du lịch.

Điều 2. Căn cứ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, điều kiện, đặc điểm và tiềm năng du lịch của mỗi vùng, mỗi địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với phạm vi, trách nhiệm được giao, tổ chức và chỉ đạo việc triển khai "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010" trong các kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, cũng như các đề án quy hoạch phát triển du lịch cụ thể.

Điều 3. Giao Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá - Thông tin và các ngành, cơ quan chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quy hoạch và phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi tỉnh, mỗi vùng, trong một thể thống nhất của cả nước, nhất là ở những địa phương có Trung tâm, khu du lịch lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY HOẠCH TỔNG THỂ

CỦA TỔNG CỤC DU LỊCH SỐ 377/TCDL NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 1995 PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI KỲ 1995 - 2010

I - BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN:

Nằm ở khu vực Đông Nam á - một khu vực đang diễn ra những hoạt động du lịch sôi động, Việt Nam có một vị trí địa lý kinh tế và giao lưu quốc tế thuận lợi để sớm hoà nhập với trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.

1. Đầu tư phát triển du lịch Việt Nam là phù hợp với xu thế chung, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên phạm vi thế giới, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội và phát triển với tốc độ ngày càng nhanh.

Trong vòng 30 năm (1960 - 1991) số khách du lịch trên thế giới tăng khoảng 64 lần, thu nhập từ du lịch đã tăng khoảng 38 lần. Với nguồn thu nhập gia tăng như vậy nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia... đã coi du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, hướng chủ yếu trong chiến lược khai thác tiềm năng, tạo việc làm, mở rộng giao lưu để phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Hiện nay, nhịp độ tăng trưởng về số khách quốc tế và thu nhập từ du lịch của khu vực Đông á - Thái Bình Dương thuộc loại hàng đầu thế giới. Dự kiến đến năm 2010 khoảng 72 triệu người; thu nhập từ du lịch tăng khoảng 15,6%. Vai trò, vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tăng và được khẳng định.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta hoàn toàn có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển, sớm đưa du lịch của nước ta hoà nhập vào trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.

2. Tiềm năng du lịch của nước ta phong phú, đa dạng:

Nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu quốc tế, Việt Nam có điều kiện để phát triển giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không nối với các quốc gia trên thế giới.

Tài nguyên du lịch Việt Nam đa dạng, giầu bản sắc cả về thiên nhiên (bãi biển, hang động, nước nóng, nước khoáng, đảo, lớp phủ thực vật và thế giới động vật quí hiếm, nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo điển hình...) lẫn nhân văn (các di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trức, những phong tục tập quán, các làng nghề và truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc...) tạo điều kiện cho chúng ta phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn như: nghỉ dưỡng, thể thao, nghiên cứu khoa học, hội chợ, hội nghị, festival... dài ngày và ngắn ngày.

Tài nguyên du lịch nước ta được phân bố thành từng cụm hình thành các môi trường du lịch điển hình trong toàn quốc. Mỗi vùng, mỗi khu vực du lịch có một sắc thái riêng, tạo nên các tuyến du lịch xuyên quốc gia, không lập lại giữa các vùng làm nhàm chán khách du lịch. Những tài nguyên du lịch này nhằm gắn các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng thuận lợi cho việc đi lại, tham quan và ăn nghỉ của du khách. Nhiều vùng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh Phú, Hoà Bình..., vùng biển Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn (Quảng Ninh - Hải Phòng) vùng Đại Lãnh - Văn Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Huế - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng - Đà Lạt và vùng đồng bằng Châu thổ sông Cửu Long..., nếu được qui hoạch và đầu tư thích đáng sẽ trở thành những trung tâm du lịch lớn có khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và thế giới.

Trong tương lai không xa, việc nối tour du lịch đường bộ tới Malaysia - Singapore và Myanma với tuyến du lịch Đông Dương (Việt Nam - Lào - Cămpuchia) thực sự sẽ khép kín lộ trình của khách du lịch quốc tế ở Đông Nam á và sẽ tạo ra tuyến du lịch hấp dẫn trong khu vực, mở ra cho nước ta nhiều cơ hội để khai thác và phát triển du lịch với các hình thức hấp dẫn theo phong cách và truyền thống văn hoá Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, du lịch Việt Nam còn kém phát triển. Nếu so sánh với 5 nước Đông Nam á trong cùng thời điểm năm 1988, Việt Nam chỉ đón lượng khách du lịch quốc tế bằng 1/10 Philippines, 1/5 Indonesia và xấp xỉ 1/40 Malaysia, Thái Lan hoặc Singapare.

Mấy năm gần đây, nhờ sự nghiệp đổi mới đất nước thu được kết quả quan trọng: kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định, đường lối ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá, Ngành Du lịch Việt Nam có những bước tiến bộ. Nhịp độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm đạt trên dưới 40%. Năm 1990 Việt Nam mới đón 250.000 khách quốc tế thì năm 1994 đã đạt trên 1.000.000, thu hẹp dần khoảng cách đón khách quốc tế so với năm nước Đông Nam á. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 1994 đã bằng 2/3 số khách du lịch quốc tế đến Philippines, bằng 1/4 Indonesia và xấp xỉ bằng 1/6 số khách du lịch quốc tế đến Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ