Quyết định 3022/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Thành phố Hà Nội đến 2010" do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 3022/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/06/2006
Ngày có hiệu lực 10/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Quang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 3022/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRỌNG ĐIỂM CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN 2010"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 51/2005/QĐ-UB ngày 20/04/2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thành lập Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội và ban hành quy chế hoạt động và điều hành Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 3669/QĐ-UB ngày 31/5/2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán Đề án "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Thành phố Hà Nội đến 2010";
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại tờ trình số 1332/TTr-STM ngày 30/6/2006 về việc xin phê duyệt Đề án "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Thành phố Hà Nội đến 2010";

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Đề án "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Thành phố Hà Nội đến 2010" (phụ lục đính kèm).

Điều 2: Giao giám đốc Sở Thương mại phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Thành phố, đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với yêu cầu Hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành: Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư; Công nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lao động thương binh và xã hội, Tài chính, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Bưu chính viễn thông, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Cục Hải quan, Cục thuế, Cục Thống kê, các Quận Huyện, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
Như điều III
Chủ tịch UBNDTP (để báo cáo)
Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Quang
CPVP, các tổ CV, TH
Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang

 

ĐỀ ÁN:

CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRỌNG ĐIỂM CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3022/QĐ-UB ngày 30/6/2006 của UBND thành phố Hà Nội

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại (XTTM) giữ vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV, Chiến lược xuất khẩu của thành phố Hà Nội đến năm 2010, nhằm đưa ra định hướng dài hạn và chương trình tổng thể cho hoạt động XTTM của thành phố Hà Nội trong 5 năm 2006 – 2010, phục vụ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhất là thị trường xuất khẩu, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động XTTM, giúp tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô và quảng bá hình ảnh Hà Nội với bạn bè quốc tế, UBND Thành phố Hà Nội xây dựng Đề án "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Thành phố Hà Nội đến năm 2010" với những nội dung chủ yếu sau:

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIA ĐOẠN 2001 – 2005

I- TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2001 – 2005

1- Những thành tựu đạt được:

- Trong giai đoạn 2001 – 2005, xuất khẩu của Hà Nội đã liên tục tăng trưởng, năm sau tăng cao hơn năm trước, đặc biệt tăng mạnh vào các năm cuối kỳ (năm 2001 tăng 7,2%; năm 2002 tăng 9,2%; năm 2003 tăng 10,9%; năm 2004 tăng 27,2%; năm 2005 tăng 23,6%). Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2001 – 2005 đạt 10,136 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 15,3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương Hà Nội đạt 4,084 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 28,3%/năm.

- Hà Nội vẫn duy trì 5 nhóm hàng xuất khẩu truyền thống, có lợi thế, đồng thời phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (nhất là các mặt hàng điện tử, máy in phun). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu, chế biến thô, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng có hàm lượng công nghệ, chế biến và giá trị gia tăng cao; xuất hiện một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao, đang và sẽ có đóng góp lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội những năm tới như điện tử và linh kiện máy tính, máy in, dây điện và cáp điện, sản phẩm cơ, kim khí, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, sản phẩm nhựa… Xuất khẩu dịch vụ đạt kết quả nhất định, đặc biệt là du lịch, xuất khẩu lao động, phần mềm,… và đây sẽ là tiềm năng lớn của xuất khẩu của Hà Nội trong thời gian tới.

- Chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thị trường xuất khẩu vừa mở ra những thị trường mới (Nam Phi, Trung Đông), vừa khai thác tốt hơn những thị trường đang có (Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN). Hiện nay Hà Nội đã xuất khẩu đến 187 khu vực thị trường của các quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cả giai đoạn 2001 – 2005 đạt 36,304 tỷ USD, tăng bình quân 23%/năm, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn. Tổng kim ngạch nhập khẩu của địa phương giai đoạn 2001 – 2005 đạt 11,555 tỷ USD, tăng bình quân 35%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu theo nhóm ngành hàng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng cho sản xuất tăng từ 20,6% trong tổng giá trị nhập khẩu năm 2001 lên 30% năm 2005. Nhập khẩu vật tư nguyên liệu giảm từ 30,6% năm 2001 xuống còn 24,4% năm 2005. Nhập khẩu hàng tiêu dùng được duy trì ổn định ở tỷ lệ hợp lý, giữ ở mức 16 – 17% trong giai đoạn 2001 – 2005.

- Hoạt động thương mại trên thị trường nội địa phát triển mạnh. Trong giai đoạn 2001 – 2005, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt bình quân 83.799 tỷ đồng/năm, tăng trưởng 17,4%/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ ở Hà Nội bình quân đạt 32.440 tỷ đồng/năm, tăng trưởng 16,7%/năm. Hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nội địa ngày càng dồi dào, phong phú, chất lượng và mẫu mã được cải tiến hơn, lượng tiêu thụ trong nước tăng. Mạng lưới bán lẻ phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng văn minh, hiện đại, trải rộng ra nhiều địa điểm trong các quận/huyện, kích thích tiêu dùng của người dân Thủ đô.

2- Những hạn chế, yếu kém:

- Quy mô xuất khẩu của Hà Nội còn nhỏ bé (tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội năm 2005 đạt 2,86 tỷ USD, đạt thấp so với mục tiêu Chiến lược và mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 13 đề ra là 3,1-3,5 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2001 – 2005 chỉ đạt 15,3%/năm, không đạt yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 13 (16 – 18%/năm).

- Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kim ngạch không đều. Tốc độ tăng trưởng của bốn nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn là nông sản (bình quân 6%/năm), dệt may (bình quân 11%/năm), da – giày (bình quân 12%/năm), thủ công mỹ nghệ (2%) thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn thành phố (bình quân 15,3%/năm).

- Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội còn lạc hậu, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu, ít xuất hiện những mặt hàng mới có đóng góp kim ngạch lớn. Khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Chưa khai thác tốt tiềm năng của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nga, Úc…

- Thị trường nội địa phát triển còn tự phát, thiếu bền vững. Có sự chênh lệch không nhỏ về phát triển thương mại giữa nội thành và ngoại thành. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Hà Nội chưa được quảng báo rộng rãi, không ít sản phẩm chưa xây dựng và khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp Hà Nội chưa phát huy tốt thế mạnh của mình để khai thác các thị trường trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

[...]