Quyết định 30/2016/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 30/2016/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/07/2016
Ngày có hiệu lực 28/07/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2016/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÂN BAN VIỆT NAM TRONG CÁC ỦY BAN LIÊN CHÍNH PHỦ VỚI NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 10 tháng 7 năm 2015;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 về việc sửa đi, bổ sung một sđiều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quyết định này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài trên các lĩnh vực hợp tác như chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều 2. Hình thức tổ chức

1. Ủy ban liên Chính phủ được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và có thể có tên gọi là Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban hợp tác song phương, Ủy ban chỉ đạo hợp tác, Ủy ban công tác, Ủy ban đối tác, Diễn đàn đối tác, Hội đồng hoặc các tên gọi khác phù hp với điều ước quốc tế mà Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi chung là Ủy ban liên Chính phủ).

2. Tổ chức phía Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao để thúc đẩy quan hệ hợp tác với nước ngoài, có tên gọi là Phân ban Việt Nam, Ủy ban hợp tác, Ban hợp tác, Ban Chỉ đạo hợp tác hoặc các tên gọi khác theo thỏa thuận với phía nước ngoài (gọi chung là Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ, sau đây gọi tắt là Phân ban).

Điều 3. Chức năng của Phân ban

Phân ban có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với nước ngoài trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ; thúc đẩy việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác, triển khai thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đã ký kết với nước ngoài, bảo đảm cho các Ủy ban liên Chính phủ hoạt động có hiệu quả.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

1. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể Phân ban được thực hiện theo quy định của Quyết định này.

2. Phân ban không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không có con dấu riêng. Các thành viên của Phân ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Phân ban trao đổi và thỏa thuận với bên nước ngoài những nguyên tắc ở cấp Chính phủ về hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao và du lịch..., nhằm tạo ra các khuôn khổ pháp lý, môi trường hợp tác thuận lợi cho các đối tác. Các vấn đề hợp tác cụ thể do các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của hai nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết với nhau.

Điều 5. Nhiệm vụ của Phân ban

Phân ban có những nhiệm vụ sau đây:

1. Đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao và du lịch với nước ngoài; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ, chuẩn bị nội dung, đàm phán, ký kết các văn bản thỏa thuận với nước có quan hệ hợp tác thuộc cấp Nhà nước quản lý phù hợp với chức năng đã được giao của từng cơ quan.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổ chức phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các thỏa thuận, nghĩa vụ đã cam kết trên các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ; trao đổi ý kiến với bên nước ngoài nhằm tìm các giải pháp tạo điều kiện cho cả hai bên hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với phía nước ngoài ngoài tổ chức các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ với nội dung kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận tại kỳ họp trước, đề ra phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác cho thời kỳ tiếp theo. Định kỳ tổ chức các cuộc họp của Phân ban Việt Nam để đánh giá kết quả hợp tác và bàn các biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận tại Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ.

5. Thực hiện chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động của Phân ban quản lý hồ sơ, tài liệu, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật.

[...]