BỘ
CÔNG NGHIỆP
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số:
30/2006/QĐ-BCN
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN
LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN ĐIỆN ĐỘC LẬP
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số
55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ công nghiệp;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ qui định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Năng lượng và Dầu khí,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý đầu tư
xây dựng các dự án điện độc lập.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công
báo và thay thế Quyết định số 50/2002/QĐ-BCN ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Bộ
trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện
độc lập.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC DỰ
ÁN ĐIỆN ĐỘC LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2006/QĐ-BCN ngày 31 tháng 8 năm 2006 của
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về lựa chọn chủ đầu tư, chuẩn bị dự
án đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện dự án đầu tư và quản lý
đầu tư đối với các dự án điện độc lập.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham
gia đầu tư xây dựng dự án điện độc lập.
Điều 2. Dự án điện độc lập
1. Dự án điện độc lập (IPP) là dự án đầu tư xây dựng
nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện
theo quy định của pháp luật về điện lực.
2. Dự án điện độc lập được đầu tư thông qua các hình thức
Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO)
hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Đầu tư dự án điện độc lập
1. Việc đầu tư xây dựng dự án điện độc lập phải phù hợp với
quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các
dự án chưa có trong quy hoạch phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch
đồng ý trước khi chuẩn bị đầu tư.
2. Thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực được
thực hiện theo quy định của Luật Điện lực. Đối với quy hoạch phát triển thủy điện
nhỏ, Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ toàn quốc, Uỷ
ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ của tỉnh sau khi
có thoả thuận của Bộ Công nghiệp.
3. Nhà nước quản lý dự án điện độc lập về chủ trương, tiến
độ và quy mô đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
4. Cơ quan có
thẩm quyền cho phép đầu tư các dự án điện độc lập thực hiện theo quy định của
pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
Chương 2
LỰA CHỌN CHỦ
ĐẦU TƯ, CHUẨN BỊ DỰ ÁN VÀ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Điều 4. Lựa chọn chủ đầu tư
1. Để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của dự án, việc lựa
chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện độc lập được tiến hành thông qua đấu
thầu. Trình tự thực hiện đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu
thầu.
2. Sau khi quy hoạch phát triển điện lực được duyệt, Bộ
Công nghiệp công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch thuỷ điện
vừa và nhỏ toàn quốc, Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố Quy hoạch phát triển điện lực
tỉnh, huyện, Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ của tỉnh. Trên cơ sở danh mục kêu gọi
đầu tư các dự án điện độc lập và đăng ký tham gia đầu tư của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước, cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư quy định
tại khoản 4 Điều 3 Quy định này tổ chức đấu thầu để lựa
chọn nhà đầu tư phát triển dự án và trình duyệt theo quy định.
3. Đối với các trường hợp đặc biệt như dự án có quy mô nhỏ;
dự án có mục tiêu cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;
dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia hoặc có lý do hợp lý khác, cơ quan
có thẩm quyền cho phép đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 3 Quy định này quyết định lựa
chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Điều 5. Đăng ký tham gia đầu tư dự án
1. Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đầu tư dự án điện độc
lập phải lập Báo cáo đầu tư đối với các dự án nhóm A hoặc báo cáo xin phép đầu
tư đối với các dự án nhóm B và nhóm C trình cơ quan có thẩm quyền cho
phép triển khai nghiên cứu đầu tư để cho phép đầu tư.
2. Nội dung Báo cáo đầu tư, Báo cáo xin phép đầu tư trình
cơ quan cho phép đầu tư bao gồm:
a) Đối với các dự án nhóm A :
Thực hiện theo quy định về nội dung của Báo cáo
đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
b) Đối với các dự án khác:
- Công văn đề nghị của chủ đầu tư trình cơ quan
có thẩm quyền xin phép đầu tư.
- Thông tin cơ bản về chủ đầu tư: Các tài liệu về
tư cách pháp lý, đăng ký kinh doanh, sơ đồ tổ chức bộ máy, nhân sự chủ chốt, về
năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án, năng lực tài chính, kỹ thuật, trong đó cần
kê khai danh sách các dự án đã thực hiện (bao gồm các dự án công nghiệp và dự
án điện) trong vòng năm năm gần nhất và báo cáo quyết toán/kiểm toán của doanh
nghiệp trong vòng ba năm gần nhất. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về sự chính xác
các thông tin khai báo trên.
- Các thông tin sơ bộ về dự án đăng ký: Địa điểm
xây dựng; mục tiêu dự án; các thông số chính về quy mô công suất, vốn đầu tư,
thời điểm vận hành, các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành và địa phương,
tiến độ dự kiến thực hiện dự án, khối lượng đền bù, di dân, phương thức tổ chức
quản lý đầu tư, vận hành, kinh doanh và chuyển giao dự án (nếu có).
-Có văn bản chấp thuận mua điện của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam hoặc đơn vị bán buôn, bán lẻ điện.
-Trong trường hợp các dự án không do tỉnh giải
quyết thì phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
-Nguồn vốn dự kiến huy động để thực hiện dự án và cam kết
cho vay vốn của tổ chức tín dụng, ngân hàng.
-Vốn của chủ đầu tư phải có tỷ lệ ít nhất 30%. Trong trường
hợp đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét nhưng không dưới 20%.
3.Thời hạn trả lời của cơ quan cho các chủ đầu
tư về Báo cáo đầu tư, Báo cáo xin phép đầu tư như sau:
a)Đối với các dự án nhóm A: Trong thời hạn 30
ngày, Bộ Công nghiệp thẩm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
b)Các dự án còn lại trong thời hạn 20 ngày.
4.Sau khi cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư,
chủ đầu tư dự án điện độc lập mới được tiến hành công tác lập dự án đầu tư theo
quy định.
5.Nội dung của dự án đầu tư thực hiện theo quy định
của pháp luật, trong đó đấu nối với hệ thống điện quốc gia, thiết bị đo lường,
điều khiển thực hiện theo thoả thuận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Điều 6.Thẩm định, phê duyệt
dự án đầu tư
1.Chủ đầu tư lập, tổ chức thẩm định, trình cơ
quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở như sau:
a) Bộ Công nghiệp: các dự án
nhóm A và các dự án có công trình chính nằm từ hai tỉnh trở lên.
b) Sở Công nghiệp: Các dự án nhóm B và C còn lại.
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc (đối với dự án nhóm A)
và 20 ngày (đối với dự án nhóm B và C) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan
có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này phải có ý kiến bằng văn bản về
kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của dự án và thông báo cho chủ đầu tư.
4. Nội dung thẩm định thiết kế cơ sở ngoài việc
tuân thủ theo quy định hiện hành, còn phải thẩm định tính an toàn về xây dựng,
vận hành công trình, các giải pháp thiết kế và xây dựng các đập hồ chứa nước (nếu
có).
5. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án
đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của cơ
quan có thẩm quyền.
Điều 7. Thiết kế kỹ thuật,
tổng dự toán
1. Chủ đầu tư lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết
kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán trên cơ sở dự án đầu tư được
duyệt và các quy định của pháp luật.
2. Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công dự án khi
đã có ít nhất thiết kế kỹ thuật hạng mục khởi công được duyệt và đã thu xếp đủ
vốn cho công trình.
Điều 8. Thực hiện dự án
1. Thực hiện dự án đầu tư phải tuân thủ các quy định về giấy
phép xây dựng, lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công, hình thức quản lý dự án, hợp
đồng, thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư cần có biện pháp
thích hợp để đảm bảo tiến độ dự án như đã thỏa thuận, chịu trách nhiệm về an
toàn công trình và tổ chức thi công đảm bảo chất lượng dự án.
3. Trước khi đưa dự án vào hoạt động, chủ đầu tư phải xin cấp
phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Chấm dứt thực hiện dự án
1. Sau 18 tháng đối với các dự án nhóm A, 12 tháng đối với
các dự án nhóm B, C kể từ khi dự án được phép chuẩn bị đầu tư, nếu chủ đầu tư
không hoàn thành lập và phê duyệt dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cho phép
đầu tư có quyền ra văn bản chấm dứt dự án để kêu gọi chủ đầu tư khác triển khai
dự án.
2. Sau hai năm kể từ khi dự án đầu tư được phê duyệt đối với
các dự án nhóm A, sau 1 năm đối với các dự án khác, nếu chủ đầu tư không khởi
công xây dựng công trình, cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư có thể ra văn bản
chấm dứt dự án để kêu gọi chủ đầu tư khác triển khai dự án.
Chương 4
QUẢN LÝ DỰ
ÁN ĐIỆN ĐỘC LẬP
Điều 10. Chế độ báo cáo
1. Sau khi Báo cáo đầu tư hoặc Dự án đầu tư được duyệt, chủ
đầu tư gửi một bộ hồ sơ dự án hoàn chỉnh (bao gồm bản in trên giấy khổ A4 và bản
điện tử ghi trên đĩa CD) về Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp để quản lý, theo
dõi.
2. Trong thời gian xây dựng, vào tuần đầu hàng quý, và hai
tuần đầu của năm, chủ đầu tư phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện
dự án trong quý, năm gửi Bộ Công nghiệp, Sở Công nghiệp.
3. Trong thời gian vận hành nhà máy, 6 tháng một lần chủ đầu
tư phải báo cáo về tình hình vận hành và an toàn công trình gửi Bộ Công nghiệp,
Sở Công nghiệp để theo dõi.
4. Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các dự
án điện độc lập trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ Công nghiệp sau một tuần so với
thời gian quy định báo cáo của chủ đầu tư.
Điều 11. Chế độ kiểm tra, giám sát
1. Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm đối với tất cả các dự án
điện độc lập trong địa bàn quản lý và phải lập kế hoạch giám sát kiểm tra hàng
năm để thực hiện.
2. Bộ Công nghiệp chỉ đạo và phối hợp với các Sở Công nghiệp
tiến hành kiểm tra giám sát các dự án điện độc lập.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản
lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện
1. Theo dõi tình hình thực hiện dự án của chủ đầu tư.
2. Xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của chủ
đầu tư về những vấn đề liên quan đến thực hiện dự án.
3. Kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Chương 5
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
các dự án điện độc lập
Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập
có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Vụ Năng lượng và Dầu khí có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn
và phối hợp với Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm
tra việc thực hiện Quy định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải
|