Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 299/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” và quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm HHC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”

Số hiệu 299/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/09/2021
Ngày có hiệu lực 01/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 299/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 01 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN CƠ CHẾ “5 TẠI CHỖ” VÀ QUY TRÌNH ĐIỆN TỬ TRONG GIẢI QUYẾT TTHC TẠI TRUNG TÂM HCC TỈNH VÀ TRUNG TÂM HCC CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” và quy trình điện tử trong giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Giao Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nội dung tại Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch và các PCT;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, KSTT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CƠ CHẾ “5 TẠI CHỖ” VÀ QUY TRÌNH ĐIỆN TỬ TRONG GIẢI QUYẾT TTHC TẠI TRUNG TÂM HCC TỈNH VÀ TRUNG TÂM HCC CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Kèm theo Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2021)

PHẦN THỨ NHẤT

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở Bắc Ninh đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và đầu tư nguồn lực lớn, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân; giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức; đồng thời, điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy và đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính Nhà nước, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong CCHC, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ đã được tỉnh nghiên cứu, đưa vào áp dụng hiệu quả: (1) Mô hình Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã liên thông hiện đại; (2) Mô hình Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp (3) Mô hình “4 tại chỗ” trong giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện.

Mô hình “4 tại chỗ” trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp được tỉnh đưa vào áp dụng tại Trung tâm HCC tỉnh và cấp huyện từ năm 2018 đến nay. Sau gần 3 năm đưa vào áp dụng đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện rõ nét về việc cải cách trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC nói riêng và CCHC nói chung trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình “4 tại chỗ” cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra: (1) Kết quả giải quyết TTHC theo hình thức “4 tại chỗ” còn thấp hoặc phân bố không đồng đều giữa các sở, ngành và địa phương; (2) Việc lựa chọn TTHC để thực hiện chưa đảm bảo theo yêu cầu đặt ra, còn mang tính hình thức; (3) Quy trình giải quyết nội bộ chưa thể hiện rõ việc giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”; (4) Ứng dụng công nghệ thông tin (quy trình điện tử) trong giải quyết TTHC chưa được ứng dụng đầy đủ, hiệu quả ở một số bước giải quyết TTHC; (5) Bố trí nhân sự tại bộ phận tiếp nhận, xử lý, trả kết quả còn bất cập, việc tạo động lực làm việc cho cán bộ còn hạn chế; (6) Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí cần có phục vụ cho giải quyết TTHC “4 tại chỗ”.

Mặt khác, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử còn bất cập, chưa đáp ứng được đúng chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan đến giải quyết TTHC không thông suốt, dẫn đến tình trạng chưa thể cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa thành phần hồ sơ. Việc cung cấp các giấy tờ điện tử có giá trị pháp lý như cấp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử còn chậm triển khai. Chưa có nhiều quy định để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC nhằm tạo chuyển biến trong mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, thúc đẩy chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong tất cả các cơ quan nhà nước, tạo bước đột phá trong công tác CCHC nói chung và công tác cải cách TTHC nói riêng góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ, tạo cơ sở hình thành chính quyền số, kinh tế sốxã hội số.

Trước yêu cầu ngày càng cao của tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước các cấp của Bắc Ninh. Việc chuyển đổi, nâng cấp mô hình giải quyết TTHC từ “4 tại chỗ” sang mô hình “5 tại chỗ” - Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là hết sức cần thiết.

Từ những lý do trên, Văn phòng UBND tỉnh xây dựng Đề án “Thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” và quy trình điện tử trong giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC tỉnh và Trung tâm HCC huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” để tạo bước đột phá trong cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện các Chỉ số quản trị địa phương tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

[...]