Quyết định 295/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010

Số hiệu 295/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/02/2008
Ngày có hiệu lực 28/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Xuân Huế
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 04/2005/QĐ-TTg ngày 06/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Ban hành Bản qui định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Căn cứ Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 12/6/2006 của Chủ tịch UBND Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề cương chi tiết và Dự toán kinh phí lập bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 64/TTr-SKHĐT ngày 17/01/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội:

a) Lấy phát triển nông - lâm nghiệp làm cơ sở để ổn định kinh tế - xã hội, làm tiền đề để phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phân bố sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (như mía, tiêu, quế, cây ăn quả…) gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn lương thực, đưa chăn nuôi lên thành ngành chính, bảo vệ phát triển và khai thác tổng hợp nguồn tài nguyên rừng. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, lấy giao thông, thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu, tích cực đưa giống mới vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, ngành nghề, cơ khí hóa, điện khí hoá nông thôn, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

b) Đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế. Chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

c) Đi đôi với phát triển kinh tế phải chú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình…

d) Phát triển giáo dục, đào tạo; nâng cao dân trí, khắc phục các tập tục và tệ nạn lạc hậu; chăm lo cuộc sống văn hóa, tinh thần, sức khoẻ... nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

e) Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với việc bảo đảm giữ gìn trật tự xã hội và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu:

a) Cơ cấu kinh tế chung của vùng trước mắt cũng như lâu dài được xác định: “Phát triển nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ” theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng hệ thống kinh tế mở gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của vùng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

b) Tập trung phát triển và hình thành các tiểu vùng kinh tế, phát triển đồng thời cả 2 mặt về chiều rộng lẫn chiều sâu, khai thác những lợi thế của các huyện trong vùng. Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần để thu hút vốn đầu tư, nhanh chóng tạo ra các yếu tố bên trong vững mạnh, tranh thủ các lợi thế để thu hút sự đầu tư bên ngoài nhất là sự đầu tư của tỉnh và Trung ương. Phát huy tối đa những cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng trong những năm qua.

c) Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu tiến bộ công bằng xã hội nhằm trước hết tạo điều kiện cho người lao động, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

a) Tăng trưởng về giá trị sản xuất:

- Phấn đấu đạt mức tăng Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2006 - 2010 từ 12,5 – 13% .

Trong đó:

+ Nông, lâm, thuỷ sản tăng         :            8 - 9%;

+ Công nghiệp – TTCN tăng        :           20 - 21%;

[...]