UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
29/2011/QĐ-UBND
|
Ninh
Thuận, ngày 15 tháng 7 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG BẤT THƯỜNG CỦA THỊ
TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26
tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số
170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số
75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Thông tư số
104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP
ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Thông tư số
122/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính về hướng
dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định số
75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Công Thương tỉnh tại Tờ trình số 624/TTr-SCT ngày 06 tháng 7 năm 2011 và Báo
cáo thẩm định số 720/BC-STP ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử
lý biến động bất thường của thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gồm 04
Chương và 11 Điều.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể
từ ngày ký ban hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở,
ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Hữu Nghị
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG BẤT THƯỜNG CỦA THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng, phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trách
nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; giữa các doanh nghiệp
đầu mối về sản xuất, kinh doanh với các cơ quan quản lý Nhà nước để tập trung xử
lý những biến động bất thường của thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong quy chế này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Các hàng hoá, dịch vụ thiết
yếu: là các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá
theo quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh trong từng thời kỳ.
2. Biến động bất thường của
thị trường: là những biến động về giá cả hoặc về lượng cung - cầu đối với
các mặt hàng thiết yếu xảy ra so với bình thường, làm giá bán lẻ trên thị trường
tăng hoặc giảm từ 15% trở lên so với mức giá trên thị trường trước khi có biến
động trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục; do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh,
dịch họa, khủng hoảng kinh tế hoặc do tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền,
liên kết độc quyền để quy định, nâng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc
gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc do đầu cơ, găm hàng, tăng giá
bất hợp lý hay do tác động bởi tin đồn thất thiệt, thông tin không chính xác hoặc
do các điều kiện bất thường khác gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội
và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
3. Doanh nghiệp đầu mối:
a) Các doanh nghiệp hoạt động sản
xuất kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, trong đó mặt hàng kinh doanh chủ lực
của doanh nghiệp là một hoặc nhiều mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hoá,
dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh
từng thời kỳ;
b) Các doanh nghiệp sản xuất
kinh doanh được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tham gia tạo nguồn hàng bình
ổn thị trường từng thời kỳ.
Chương II
QUY TRÌNH VÀ QUAN HỆ PHỐI
HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG
Điều 3. Phối
hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khi xảy ra biến động bất thường của thị
trường
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý
Nhà nước theo thẩm quyền khi phát hiện sự việc phải tiến hành ngay các công việc
sau:
a) Tổ chức lực lượng, chủ động
kiểm tra, rà soát, nắm sát tình hình, diễn biến giá cả, thị trường;
b) Xác định mặt hàng, nhóm hàng
cụ thể đang biến động bất thường; điểm xuất phát và phạm vi lan toả của biến động
bất thường;
c) Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên
nhân cụ thể gây biến động bất thường và đề xuất các biện pháp giải quyết với cơ
quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời;
d) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân
dân cùng cấp nơi xảy ra biến động và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên, chậm
nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện có biến động bất thường của thị
trường trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và cơ quan chủ quản
khi nhận được thông tin có biến động bất thường của thị trường xảy ra trên địa
bàn phải tập trung kiểm tra, chỉ đạo xử lý biến động theo thẩm quyền, báo cáo kết
quả cho Sở Công Thương trong thời gian sớm nhất (tùy theo diễn biến của tình
hình) kể từ khi nhận được thông tin có biến động bất thường. Trường hợp đánh
giá biến động bất thường có khả năng lan rộng, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải
báo cáo, đề xuất Sở Công Thương xử lý biến động bất thường.
3. Sở Công Thương căn cứ tình
hình thực tế, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên
quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố áp dụng
các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 3 khoản 3 Điều
1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian sớm nhất kể từ khi
nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
a) Các biện pháp theo thẩm quyền
để điều hoà cung cầu hàng hoá, dịch vụ;
b) Các biện pháp tài chính, tiền
tệ theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện đăng ký giá, kê
khai giá theo quy định tại Điều 22b thuộc khoản 10 Điều 1 Nghị định số
75/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 7, Điều 8 Thông tư số 122/2010/TT-BTC của Bộ
Tài chính;
d) Công khai thông tin về giá
theo quy định tại Điều 22c thuộc khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của
Chính phủ;
đ) Các biện pháp về kinh tế,
hành chính khác theo thẩm quyền bao gồm:
- Quyết định đình chỉ thực hiện
các mức giá hàng hoá và dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã quyết
định không hợp lý so với các quy định hiện hành và yêu cầu thực hiện mức giá cũ
liền kề trước khi có biến động bất thường của thị trường.
- Phạt cảnh cáo, phạt tiền theo
quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và các
quy định của pháp luật có liên quan; thu phần chênh lệch giá do các tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh tăng giá bất hợp lý vào ngân sách Nhà nước.
- Tước quyền sử dụng giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh được cấp có thời hạn hoặc không có thời hạn theo quy
định của pháp luật.
- Quyết định tổ chức các đoàn kiểm
tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành
các quy định của Nhà nước về quản lý giá và các quy định khác của pháp luật có
liên quan như: kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng
giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, theo giá đăng ký, giá kê khai và giá
niêm yết; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định của pháp
luật.
- Quyết định biện pháp thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành sản phẩm; các biện pháp kinh tế; kỹ
thuật hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ
thực hiện bình ổn giá thuộc thẩm quyền quyết định và công bố thi hành các biện
pháp bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính theo quy định
tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Tài chính có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan trên địa
bàn tỉnh kịp thời kiến nghị tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng
Bộ Tài chính quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thực hiện ở địa
phương; đồng thời, tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 4. Phối
hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp đầu mối
1. Khi đánh giá biến động bất
thường của thị trường có khả năng gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của
nhân dân tại địa phương, Sở Công Thương liên hệ ngay với các doanh nghiệp đầu mối
về hàng hoá, dịch vụ có biến động bất thường để thông báo đầy đủ về biến động bất
thường và yêu cầu phối hợp thực hiện công tác bình ổn giá.
2. Doanh nghiệp đầu mối có trách
nhiệm:
a) Tập trung kiểm tra, xác định
số lượng, chủng loại nguồn hàng hoá đang kinh doanh hoặc dự trữ có thể cung cấp
cho thị trường để bình ổn giá. Nguồn dự trữ bao gồm nguồn hàng hoá có thể điều
động từ các địa phương khác đưa về tỉnh;
b) Báo cáo ngay với Sở Công
Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh về khả năng điều tiết thị trường, đề xuất các
phương án tổ chức thực hiện;
c) Thực hiện các biện pháp bình ổn
giá do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định và công bố thi hành trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung mọi nguồn lực phân
phối hàng hoá hoặc đưa hàng hoá từ các nơi khác về để điều tiết thị trường; đảm
bảo nguồn cung ứng hàng hoá và giá cả hợp lý đến từng đại lý, từng khu vực.
- Liên hệ với địa phương để được
hỗ trợ về nhân sự phục vụ cho công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự tại các
địa điểm phân phối hàng hoá, dịch vụ có biến động bất thường;
d) Làm tốt công tác thông tin,
tuyên truyền, định hướng dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp
phần ổn định tâm lý người tiêu dùng, ngăn chặn các tác nhân gây xáo trộn thị
trường;
đ) Khi có yêu cầu cần thiết bằng
văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp đầu mối phải
báo cáo chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, giá thành, giá bán đối với
các hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; đăng ký giá, kê khai giá để
phục vụ yêu cầu kiểm soát và thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường
trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Phối
hợp trong công tác thông tin, báo cáo và xử lý thông tin
1. Sở Công Thương là cơ quan chủ
trì, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực
lượng chức năng của tỉnh về biến động bất thường của thị trường. Trên cơ sở đó,
tổng hợp tình hình, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời đề ra
và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường hiệu quả; đồng thời, tiếp nhận
thông tin chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh để triển
khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo nhanh, đột xuất theo
yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các cơ quan quản lý Nhà nước,
các ngành chức năng thiết lập ngay đường dây nóng hoặc số điện thoại phối hợp;
phân công lãnh đạo cơ quan trực tiếp xử lý nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được
thông suốt, chính xác; thực hiện chế độ báo cáo nhanh, đột xuất cho Sở Công
Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.
3. Các ngành, các cấp khi nhận
được thông tin, báo cáo hoặc phát hiện có xảy ra biến động bất thường về thị
trường phải chủ động xử lý và báo cáo, đề xuất ngay với Sở Công Thương để có biện
pháp bình ổn kịp thời. Công tác báo cáo và xử lý thông tin phải được thực hiện
khẩn trương, cấp bách, trực tiếp đến cấp có thẩm quyền giải quyết, không nhất
thiết phải theo trình tự từ cấp dưới lên cấp trên, từ cấp thấp lên cấp cao hơn.
4. Khi xảy ra biến động bất thường
của thị trường, các cơ quan báo, đài địa phương tập trung, ưu tiên đưa tin về
tình hình biến động bất thường và các chủ trương, chính sách bình ổn thị trường
đang được triển khai thực hiện để định hướng dư luận. Kịp thời đưa tin về những
đơn vị, cá nhân tích cực tham gia hưởng ứng, chấp hành thực hiện tốt các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bình ổn thị trường; đồng thời
công khai dư luận những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm khi đã được
các cơ quan chức năng làm rõ.
Điều 6. Phối
hợp trong hoạt động kiểm tra liên ngành
1. Khi phát hiện xảy ra biến động
bất thường về thị trường, các sở, ngành thực hiện chức năng quản lý hàng hoá, dịch
vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do lực
lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử
lý các biến động thị trường theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Tùy tình hình cụ thể, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh có thể quyết định thành lập các tổ kiểm tra liên ngành đặt dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ
bình ổn giá.
2. Trường hợp cần thiết, Ban chỉ
đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh được thành lập các
đoàn công tác để thực hiện công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý vi phạm theo quy
định pháp luật.
3. Công tác phối hợp trong hoạt
động kiểm tra liên ngành được thực hiện theo quy chế về trách nhiệm và quan hệ
phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP
Điều 7.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước
1. Sở Công Thương:
a) Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn
biến cung cầu của thị trường trên địa bàn tỉnh, nắm sát khả năng cung ứng hàng
hoá trong từng thời điểm trong năm của các doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo nguồn
dự trữ hàng hoá thiết yếu, sẵn sàng cung ứng, tham gia điều phối thị trường khi
cần thiết; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ dự trữ hàng hoá thiết yếu
cho các doanh nghiệp hằng năm để tạo nguồn hàng bình ổn thị trường;
b) Thông báo đường dây nóng rộng
rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận thông tin của các cơ
quan Nhà nước, các lực lượng chức năng và của nhân dân về biến động bất thường
của thị trường;
c) Phối hợp với các sở, ngành chức
năng báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp xử lý kịp thời khi thị
trường có biến động bất thường;
d) Là đầu mối quan hệ phối hợp với
các doanh nghiệp đầu mối để triển khai thực hiện các biện pháp về bình ổn thị
trường theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền;
đ) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị
trường tỉnh có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất theo chức năng nhiệm vụ
được giao.
2. Sở Tài chính:
a) Là cơ quan quản lý Nhà nước về
giá, có trách nhiệm thu thập thông tin, phân tích tình hình biến động giá cả;
thường xuyên theo dõi, phát hiện các biến động bất thường của thị trường và phối
hợp với Sở Công Thương đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời khi thị trường
có biến động bất thường;
b) Đối với hàng hoá, dịch vụ thực
hiện bình ổn giá thuộc thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp
bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh,
Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh kịp thời kiến nghị Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ
tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; kiến nghị Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo
thẩm quyền thực hiện tại địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành chức năng thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các mặt
hàng thuộc thẩm quyền theo quy định tại Điều 22a thuộc khoản 10 Điều 1 Nghị định
số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Điều 6 Thông tư số
122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và các quy định
pháp luật có liên quan như: kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng hoá và dịch vụ
theo đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, giá niêm yết; việc đăng ký
giá; kê khai giá, công khai thông tin về giá đối với loại hàng hoá, dịch vụ thuộc
danh mục phải đăng ký giá, kê khai giá theo thẩm quyền; phát hiện và xử lý kịp
thời các hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Giá và các quy định pháp
luật có liên quan; kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bình ổn giá.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan (Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế, Công an, Bộ đội
Biên phòng, ...) kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật
hiện hành các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không đúng
pháp luật về giá, lợi dụng chủ trương điều hành giá của Nhà nước, lợi dụng sự
biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất
hợp lý.
- Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh, Bộ Tài chính về tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá
do Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định
và công bố áp dụng trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí,
các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ tại khoản 4
Điều 5 Quy chế này;
b) Phối hợp Sở Công Thương trong
công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình xử lý biến động bất thường để định
hướng dư luận; phối hợp cơ quan an ninh kịp thời ngăn chặn những hành vi phát
tán, gây nhiễu thông tin, làm biến động thị trường hoặc lợi dụng biến động thị
trường làm mất ổn định chính trị và trật tự xã hội.
4. Sở Giao thông vận tải: phối hợp
các sở, ngành, địa phương chỉ đạo làm tốt công tác vận chuyển hàng hoá, đảm bảo
hàng hoá lưu thông thông suốt, nhanh chóng khi xảy ra biến động bất thường về
thị trường.
5. Cục Thuế tỉnh:
a) Chỉ đạo các phòng chức năng
và Chi cục Thuế cấp huyện kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm về thuế đối với tổ
chức, cá nhân có hành vi lợi dụng những biến động bất thường của thị trường để
đầu cơ trục lợi, nâng giá bất hợp lý theo quy định pháp luật;
b) Phối hợp kiểm tra và tiếp nhận
các hồ sơ vi phạm có liên quan, xử lý ngay trong thời gian ngắn nhất; đồng thời
đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo tác động giáo dục, răn
đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
6. Công an tỉnh:
a) Áp dụng các biện pháp nghiệp
vụ tiến hành điều tra, xác định và ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân có hành
vi vi phạm gây biến động bất thường trên thị trường;
b) Chỉ đạo lực lượng chức năng
tham gia vào các tổ, đoàn kiểm tra liên ngành khi có yêu cầu; kịp thời xử lý
các đối tượng có hành vi gây rối, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn
trong thời gian xảy ra biến động bất thường về thị trường.
7. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh: chỉ
đạo lực lượng quân sự cấp huyện phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa
phương giữ gìn an ninh trật tự khi xảy ra biến động bất thường về thị trường.
8. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh:
a) Phối hợp các lực lượng chức
năng của tỉnh và các tỉnh giáp ranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng những biến
động bất thường của thị trường để gây rối, phao tin đồn thất thiệt, có biện
pháp tuyên truyền vận động, trấn an dư luận tại các địa bàn được phân công quản
lý;
b) Tăng cường công tác quản lý,
kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện hoạt động ra vào cửa biển và trên biển
để phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm gây biến động bất thường về
thị trường; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong điều tra, xác minh các đối tượng
tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng ở khu vực cảng và biển của tỉnh;
c) Chi viện phương tiện, lực lượng
hỗ trợ cho các ngành chức năng, đảm bảo phân phối các mặt hàng thiết yếu đến tận
tay người dân vùng sâu, vùng xa khi xảy ra biến động bất thường về thị trường.
9. Sở Khoa học và Công nghệ: chỉ
đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp các ngành liên quan thường
xuyên kiểm tra các dụng cụ đo lường và việc cân đong, đo đếm của các cơ sở kinh
doanh khi có biến động bất thường về thị trường.
10. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Có cơ chế tiếp nhận thông tin
về biến động bất thường của thị trường và có biện pháp kịp thời xử lý theo thẩm
quyền; báo cáo, đề xuất ngay cho Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh trong
trường hợp cần thiết;
b) Chủ động phối hợp các ngành
chức năng của tỉnh tập trung xử lý những vấn đề có liên quan đến biến động bất
thường của thị trường xảy ra trên địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 3, Điều
4, Điều 5, Điều 6 Quy chế này;
c) Đẩy mạnh phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia, phát
hiện và xử lý kịp thời theo thẩm quyền về các dấu hiệu, hành vi phao tin đồn thất
thiệt, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, đẩy giá lên cao tại địa phương theo quy định
của pháp luật và báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương);
d) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân tỉnh khi không kịp thời xử lý hoặc không nắm được những biến động bất
thường của thị trường xảy ra trên địa bàn quản lý.
Điều 8.
Trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu mối
1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch
và biện pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh, kiểm soát các yếu tố hình
thành giá nhằm không để tăng giá bất hợp lý; nâng cao chất lượng phục vụ, hạ
giá thành sản phẩm, tổ chức mạng lưới phân phối cố định và lưu động rộng khắp đến
người tiêu dùng trong tỉnh nhằm không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
2. Chủ động phân tích tình hình
và có kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu tối thiểu theo yêu cầu nhằm đảm bảo
nguồn cung ứng trong thời gian sớm nhất ra thị trường; cùng các cơ quan quản lý
Nhà nước nhanh chóng triển khai các biện pháp bình ổn giá khi xảy ra biến động
bất thường về thị trường theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Điều 9. Trách
nhiệm phối hợp của Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp
hội ngành nghề
1. Sở Công Thương, Ủy ban nhân
dân cấp huyện có trách nhiệm thông tin cho Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức
chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề cùng cấp về tình hình biến động, diễn
biến thị trường; các biện pháp bình ổn đã và đang thực hiện và đề nghị phối hợp
triển khai công tác xử lý biến động bất thường về thị trường khi có xảy ra.
2. Ủy ban Mặt trận tổ quốc, đoàn
thể, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề các cấp:
a) Tổ chức quán triệt, tuyên
truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các tầng
lớp nhân dân để nhân dân tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước và
tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường tại địa
phương;
b) Vận động nhân dân kịp thời
phát hiện và tố cáo tổ chức, cá nhân có hành vi tung tin đồn thất thiệt, lợi dụng
biến động thất thường nhằm đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý, gây rối loạn
thị trường đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật;
c) Các hiệp hội ngành nghề có hội
viên hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ đang biến động bất
thường có trách nhiệm vận động hội viên tham gia phối hợp cùng các cơ quan quản
lý Nhà nước ở địa phương sớm can thiệp, xử lý biến động, nhanh chóng bình ổn thị
trường.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Căn cứ Quy chế này, các ngành, các cấp cụ thể hoá chế độ công tác và tổ chức
triển khai các nhiệm vụ được giao; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng
ứng phó và chủ động phối hợp xử lý những biến động về bất thường thị trường khi
xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Điều 11.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh và cần có sự điều
chỉnh, bổ sung Quy chế này, các ngành, các cấp có trách nhiệm báo cáo, đề xuất
với Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện kịp thời.