Quyết định 29/2007/QĐ-UBND về Chương trình xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 29/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/04/2007
Ngày có hiệu lực 07/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Huỳnh Thị Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2007/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 27 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII về tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tại Văn bản số 186/BC-SVHTT ngày 30/3/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Nga

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2007 của UBND tỉnh Đồng Nai)

A. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA THỜI GIAN QUA (2001-2005).

I. Những kết quả đạt được:

- Năm năm qua (2001 - 2005), thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), chương trình hành động thực hiện kết luận Trung ương 10 (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết 18 và Nghị quyết 39 (khóa VII) về văn hóa, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân đã được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là giải pháp quan trọng được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều công trình văn hóa, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi... đã làm cho đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đẩy lùi các tệ nạn xã hội nghiêm trọng, tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh. Nhận thức về văn hóa và vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, văn hóa trong phát triển kinh tế được nâng lên rõ rệt ở các cấp, các ngành, ở mọi gia đình và mọi người dân.

Phong trào tiếp tục được triển khai trên diện rộng và từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch như: Ấp, khu phố văn hóa; gia đình văn hóa; xã phường làm tốt công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy. Đến nay, toàn tỉnh đã có 376.106 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 87%), 105 xã phường làm tốt công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy (tỷ lệ 61%), 732 ấp, khu phố văn hóa (tỷ lệ 75,2%), 1.591 cơ quan đạt chuẩn “Có đời sống văn hóa tốt” (tỷ lệ 86%). Các mô hình như xây dựng xã phường văn hóa, ấp khu phố văn hóa, xã phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được triển khai trên diện rộng, bước đầu thí điểm một số mô hình mới như đường phố văn hóa, chợ văn hóa... cho kết quả khả quan. Các ngành, đoàn thể đã lồng ghép nội dung phong trào cụ thể của mình vào nội dung phong trào chung. Các chương trình quan trọng được lồng ghép, như ngành y tế với nội dung “Làng sức khỏe”, ngành TDTT với “Làng thể thao”, ngành DSGĐTE với “Xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em”...

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào ngày càng được tăng cường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với phong trào, BCĐ phong trào ở các cấp được củng cố, phát huy vai trò chỉ đạo. Sự tham gia, phối hợp của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương cơ sở ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Nhiều địa phương đã linh hoạt vận dụng trong triển khai chỉ đạo như Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất... thực hiện chế độ khen thưởng, gắn bảng gia đình văn hóa; Biên Hòa triển khai mô hình phường văn hóa, chợ văn hóa, đường phố văn hóa...

- Từ phong trào đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, hình thành những giá trị chuẩn mực mới về nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, những phong tục tập quán mới tiến bộ, lành mạnh phù hợp với xu hướng phát triển của đời sống. Phong trào đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng nhân dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo nguồn lực của nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nổi bật là nhân dân các địa phương đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng bộ mặt văn hóa mới ở cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn.

- Phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Thông qua phong trào, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được khai thác, phát huy, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thực hiện “Xóa đói giảm nghèo”, giải quyết các chính sách xã hội...

- Trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào, nhất là các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, cơ quan văn hóa... đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định, quy tắc văn hóa đi vào cuộc sống, hình thành và phát triển các nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo ra những chuẩn mực văn hóa, tính tích cực xã hội dần thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư, tạo nên môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao một bước đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

II. Những hạn chế:

Tuy nhiên, cũng còn một số mặt tồn tại cần phải khắc phục, tháo gỡ:

- Một số thành viên BCĐ do kiêm nhiệm công tác nên thời gian dành cho phong trào bị chi phối, ảnh hưởng đến sự tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của BCĐ tỉnh.

- Ở cấp huyện, cán bộ phụ trách theo dõi phong trào chưa được bố trí ổn định chuyên sâu, công tác tập huấn nghiệp vụ chưa kịp thời nên chưa nắm chắc quy trình và phương pháp triển khai phong trào, có nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; Ban Chỉ đạo và Ban Vận động ở cơ sở chưa phát huy tính chủ động sáng tạo để tham mưu với chính quyền các cấp trong việc thực hiện các nội dung chương trình.

- Ở cơ sở, do biến động qua bầu cử HĐND nên cán bộ cơ sở cũng bị thay đổi làm ảnh hưởng đến nhân sự và công tác chỉ đạo phong trào của BCĐ cấp xã, phường, thị trấn.

[...]