Quyết định 2894/2008/QĐ-TTCP sửa đổi Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 2894/2008/QĐ-TTCP
Ngày ban hành 23/12/2008
Ngày có hiệu lực 22/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Trần Văn Truyền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2894/2008/QĐ-TTCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH TRA

TỔNG THANH TRA

- Căn cứ Luật thanh tra số 22/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
- Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;
- Căn cứ Nghị định số 65/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Tổng thanh tra như sau:

1. Bổ sung Điều 7a sau Điều 7 của Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra như sau:

"Điều 7a. Tiêu chuẩn của Trưởng Đoàn thanh tra

1. Cán bộ, công chức được Tổng thanh tra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ cử làm Trưởng Đoàn thanh tra phải từ Trưởng Phòng trở lên hoặc từ Thanh tra viên chính trở lên và phải có các tiêu chuẩn sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

b) Am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương;

c) Có khả năng tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

2. Cán bộ, công chức được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh thanh tra tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở, Chánh thanh tra sở cử làm Trưởng Đoàn thanh tra phải từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc từ Thanh tra viên có thời hạn bổ nhiệm từ 03 năm trở lên và phải có các tiêu chuẩn được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

3. Cán bộ, công chức được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chánh thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử làm Trưởng Đoàn thanh tra phải từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh trở lên hoặc Thanh tra viên trở lên và phải có các tiêu chuẩn tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

2. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 18. Nhật ký Đoàn thanh tra

1. Nhật ký Đoàn thanh tra là sổ ghi chép những hoạt động của Đoàn thanh tra, những nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra trong ngày, từ khi có quyết định thanh tra đến khi bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Hàng ngày, trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi chép sổ nhật ký và ký xác nhận về nội dung đã ghi chép. Trường hợp cần thiết Trưởng Đoàn thanh tra giao việc ghi chép sổ nhật ký cho thành viên Đoàn thanh tra, nhưng Trưởng Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm về việc ghi chép đó và xác nhận nội dung ghi chép đó vào sổ nhật ký Đoàn thanh tra.

3. Nội dung nhật ký Đoàn thanh tra cần phản ánh:

a) Ngày, tháng, năm; các công việc đã tiến hành; tên cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc có liên quan được kiểm tra, xác minh;

b) ý kiến chỉ đạo, điều hành của người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra (nếu có);

c) Khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra (nếu có);

d) Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra (nếu có)

4. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm quản lý sổ nhật ký Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra. Trường hợp vì lý do khách quan mà sổ nhật ký Đoàn thanh tra bị mất hoặc hư hỏng thì Trưởng Đoàn thanh tra phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, giải quyết.

5. Việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, rõ ràng và phản ánh đầy đủ công việc diễn ra trong quá trình thanh tra; được thực hiện theo mẫu do Tổng thanh tra quy định. Sổ nhật ký Đoàn thanh tra được lưu trong hồ sơ cuộc thanh tra."

3. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 24. Xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra

1. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra và Tờ trình về những nội dung đã trình bày trong dự thảo Kết luận đó, trình kèm theo Báo cáo kết quả thanh tra, để người ra quyết định thanh tra xem xét ra Kết luận thanh tra.

[...]