Quyết định 2840/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2840/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/11/2021
Ngày có hiệu lực 18/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Khắc Thận
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2840/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Thực hiện Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 07/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông báo số 283-TB/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 232/TTr-SNNPTNT ngày 16/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- MTTQ và các Tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Báo Thái Bình;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Thận

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2840/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Chương trình Hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 (Sau đây viết tắt là Kế hoạch), với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người nông dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Tốc độ tăng trưởng toàn ngành trung bình giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,1%/năm, trong đó: Trồng trọt 0,6%/năm, chăn nuôi 2,0%/năm, dịch vụ nông nghiệp 3,1%, thủy sản 5,0%/năm trở lên (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

- Tỷ trọng các ngành, trong tổng cơ cấu nông lâm thủy sản: Trồng trọt đạt 40,1%, chăn nuôi đạt 33,6%, dịch vụ đạt 4,1%, lâm nghiệp đạt 0,03%, thủy sản đạt 22,2%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết lĩnh vực trồng trọt đạt khoảng 25%, lĩnh vực chăn nuôi đạt khoảng 30%, lĩnh vực thủy sản khoảng 20%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương lĩnh vực trồng trọt đạt khoảng 40%, lĩnh vực chăn nuôi đạt khoảng 25%, lĩnh vực thủy sản khoảng 10%.

- Phấn đấu 50% đất canh tác trồng trọt được tập trung và tổ chức sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng 8-10 sản phẩm trồng trọt chế biến và chế biến sâu mang thương hiệu của tỉnh Thái Bình được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt; 85% diện tích trồng lúa được thực hiện thâm canh theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và áp dụng quy trình phòng, trừ dịch hại tổng hợp (IPM); cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng máy móc đảm bảo trong sản xuất lúa cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch và trên 90% khâu gieo cấy; 60% sản lượng thóc được áp dụng công nghệ sấy; cấp 15 - 20 mã số vùng trồng cho sản xuất trồng trọt từng bước phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

- Toàn tỉnh có khoảng 2.390 trang trại, trong đó tỷ lệ trang trại quy mô vừa và quy mô lớn chiếm trên 40% tổng số trang trại toàn tỉnh.

[...]