Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2011 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 282/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/02/2011
Ngày có hiệu lực 24/02/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 282/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48 CT/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đây là Chỉ thị rất quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, là định hướng để chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự phù hợp với tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

b) Nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật và nhận thức của toàn dân tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng môi trường sống lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

c) Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện, phát sinh, phát triển tội phạm để từng bước kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm nghiêm trọng.

d) Xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị trong các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm; tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân đối với công tác này.

b) Trên cơ sở đánh giá đúng, đầy đủ thực trạng tình hình tội phạm, kết quả đã đạt được, nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế, nhưng bài học kinh nghiệm rút ra qua 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án I, III, IV, các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án, dự án mới mang tính cấp bách, đột phá trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015,

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân về các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, hậu quả do tội phạm gây ra và sự cần thiết phải tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

d) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; hiệu quả phòng, ngừa tội phạm. Tập trung điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức, các loại tội phạm về ma tuý, mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt lớn tài sản nhà nước ...

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương nội dung Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị để thống nhất nhận thức và hành động. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống tội phạm mà Chính phủ đã ban hành; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kịp thời khắc phục những sơ hở không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến vi phạm pháp luật như: dịch vụ kinh doanh Gameonline, trò chơi điện tử có hình ảnh bạo lực, vũ trường, dịch vụ văn hóa, băng đĩa hình đồi trụy. Tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, tham nhũng, tội phạm về môi trường, tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, tội phạm mua bán người, cướp có vũ trang... Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý kịp thời các vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm, thực hiện tốt công tác thống kê tội phạm.

[...]