QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
NHÀ NƯỚC ĐỂ XẢY RA VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 279/2013/QĐ-UBND ngày 07/3/2013 của UBND tỉnh
Bắc Kạn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định trách nhiệm người đứng đầu
các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu
các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, bao gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;
b) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự
nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc,
Giám đốc các công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách
các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Khoản 1 của Điều này.
3. Cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức,
đơn vị của Nhà nước quy định tại Khoản 1 của Điều này cũng phải chịu trách nhiệm
như người đứng đầu nếu như được phân công lãnh đạo, quản lý điều hành công tác
liên quan đến bảo vệ môi trường.
Điều 3. Nguyên tắc xem xét
xử lý trách nhiệm
1. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường tại địa bàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị
mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành về kỷ luật
đối với cán bộ, công chức, viên chức hoặc nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm
thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi vi
phạm pháp luật về môi trường xảy ra trong lĩnh vực
công tác do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.
3. Khi xem xét trách nhiệm của người đứng đầu phải
khách quan, đúng người, đúng việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ
thể của người đứng đầu. Việc xử lý kỷ luật với người đứng đầu phải căn cứ vào
tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm gây ra, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng
và những quy định khác của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG
ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 4. Căn cứ xác định chế
độ trách nhiệm đối với người đứng đầu
1. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức,
đơn vị về bảo vệ môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản
quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.
2. Căn cứ
nghĩa vụ, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và những
việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công
chức; Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác liên quan.
3. Căn cứ vào mối quan hệ và nội dung phân công
công tác giữa trách nhiệm của người đứng đầu với cấp phó của người đứng đầu
trong chỉ đạo, quản lý, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Điều 5. Nội dung chế độ
trách nhiệm đối với người đứng đầu
1. Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của địa
phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được giao.
2. Chấp
hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ
đạo của cấp trên về bảo vệ môi trường; tổ chức, điều hành địa phương, cơ quan,
tổ chức, đơn vị thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ môi
trường; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.
3. Ban hành hoặc trình cơ quan,
người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo,
điều hành, báo cáo và nội quy, quy chế, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan,
tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý để bảo vệ môi trường.
4. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền
hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng
cán bộ, công chức, viên chức, lao động thuộc quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường; không để tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ
ràng, bảo đảm mọi nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ môi trường phải được thực hiện
đúng, đủ theo quy định của pháp luật.
5. Các chế độ trách nhiệm khác
theo quy định của pháp luật.
Chương III
KHEN
THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều
6. Khen thưởng
Người đứng đầu, cấp
phó của người đứng đầu chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trách nhiệm quy định tại
Quy định này và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ môi trường thì được xem xét
khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Những trường hợp phải
xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu
1. Vi phạm nội dung chế độ trách nhiệm đối với
người đứng đầu quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp
thời.
3. Khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu
thành, cấp phó hoặc cán bộ, công chức, viên chức, lao động thuộc quyền quản lý
thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, người đứng đầu
không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi thiếu trách nhiệm đó.
4. Khi phát hiện xảy ra tình trạng ô nhiễm môi
trường không kịp thời báo cấp có thẩm quyền; không kịp thời có biện pháp xử lý,
ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường.
5. Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị về những vấn
đề bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhưng không kịp thời
giải quyết theo quy định.
6. Đưa ra ý kiến chỉ đạo trái pháp luật về bảo vệ
môi trường, chung chung, không rõ ràng, không nhất quán và không kịp thời áp dụng
biện pháp xử lý, khắc phục có hiệu quả khi xảy ra ô nhiễm môi trường.
7. Tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền
ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản trái pháp luật về bảo vệ môi trường.
8. Xử lý không nghiêm minh hoặc
bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cấp dưới.
Điều 8. Trường hợp loại trừ trách nhiệm, miễn, giảm nhẹ hoặc
tăng nặng hình thức xử lý vi phạm
1. Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, được loại trừ trách
nhiệm trong các trường hợp sau:
a) Người đứng
đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp
cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.
b) Người đứng đầu hoặc cấp phó của
người đứng đầu đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp
luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành
một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do mình ban hành hoặc trình và khắc
phục xong hậu quả ô nhiễm môi trường do việc ban hành và thực hiện văn bản trái
pháp luật đó gây ra.
c) Người đứng đầu vắng mặt tại cơ
quan, tổ chức, đơn vị và có văn bản ủy quyền cho cấp phó trong thời gian vắng mặt;
cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của
mình trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nếu người đứng đầu đã ủy quyền
trong văn bản.
d) Trường hợp người đứng đầu, cấp
phó của người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên, khi có căn cứ để
cho là quyết định đó trái pháp luật về bảo vệ môi trường thì phải báo cáo ngay
với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành thì phải báo cáo
lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về
hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
2. Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, để xảy ra ô nhiễm môi
trường được giảm nhẹ một mức kỷ luật nếu kịp thời có các biện pháp cần thiết nhằm
ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường; đã xử lý
nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi gây
ô nhiễm môi trường.
3. Các trường hợp tăng nặng trách
nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xẩy ra ô nhiễm
môi trường
a) Báo cáo sai sự thật về tình
hình thực hiện, kết quả thực hiện nhiệm vụ về quản lý môi trường.
b) Phương tiện thông tin đại chúng
đưa tin về hiện tượng vi phạm pháp luật về môi trường hoặc cấp trên phát hiện
và đã kịp thời có ý kiến chỉ đạo nhưng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
không thực hiện hoặc không áp dụng ngay biện pháp để xử lý, dẫn đến xảy ra hậu
quả ô nhiễm môi trường.
c) Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm chế độ trách nhiệm về quản lý
môi trường mà lại tái phạm hoặc thiếu trung thực trong báo cáo, tường trình,
đùn đẩy trách nhiệm về quản lý môi trường.
Điều 9. Xử lý
kỷ luật do vi phạm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu
1. Trong thời
hạn 30 ngày kể từ ngày có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc
gây ô nhiễm môi trường hoặc từ ngày bản án về vụ, việc gây ô nhiễm môi trường
có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị cấp trên trực
tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem
xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu địa
phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới để xảy
ra ô nhiễm môi trường.
2. Việc xử lý
kỷ luật do vi phạm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được thực hiện theo
quy định hiện hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; các
chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà
nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà
nước tại doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước./.