Quyết định 2743/QĐ-UBND năm 2020 về thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội

Số hiệu 2743/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/06/2020
Ngày có hiệu lực 26/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2743/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP CỤM CÔNG NGHIỆP THANH ĐA, HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BCT ngày 31/8/2017 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Căn cứ Văn bản số 11175/BCT-CTĐP ngày 27/11/2017 của Bộ Công Thương về việc thỏa thuận Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 444/TB-UBND ngày 04/5/2018 của UBND Thành phố thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về việc xem xét, thống nhất một số nội dung liên quan đến quản lý, phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội;

Căn cứ Thông báo số 608/TB-UBND ngày 16/6/2020 Thông báo Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về việc xem xét thành lập một số Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của UBND huyện Phúc Thọ tại: Tờ trình số 1257/TTr-UBND ngày 19/11/2018 về việc thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội; Báo cáo số 261/BC-UBND ngày 29/8/2019; Báo cáo số 168/BC-UBND ngày 13/5/2020 và của Sở Công Thương tại: Báo cáo thẩm định số 66/BC-SCT ngày 14/3/2019; Văn bản số 3830/SCT-QLCN ngày 08/8/2019; Báo cáo số 300/BC-SCT ngày 29/10/2019; Văn bản số 2052/SCT-QLCN ngày 19/5/2020; Báo cáo thẩm định số 1181/BC-SCT ngày 19/5/2020 thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội với các nội dung sau:

1. Tên cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

2. Địa điểm: xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. (Phạm vi ranh giới sẽ được chuẩn xác khi Nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật).

3. Quy mô: khoảng 8,3 ha. (Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Thanh Đa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

4. Đối tượng thu hút đầu tư:

- Tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp: Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại; đảm bảo vệ sinh môi trường; di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên.

- Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, trong đó có định hướng các ngành nghề như: chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ...; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

5. Định hướng:

- Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo định hướng: Công nghiệp xanh, sạch (tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn); ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: chất thải công nghiệp, rác thải.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đường giao thông, kho bãi, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện...).

- Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm dịch vụ thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp.

- Đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

6. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Công ty cổ phần phát triển dịch vụ Long Biên.

- Địa chỉ trụ sở: Số 6 - B19 Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105407032 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp; lần đầu ngày: 14/7/2011; thay đổi lần thứ 3 ngày: 08/11/2016; vốn điều lệ: 100 tỷ đồng.

- Người đại diện: Ông Nguyễn Đức Thuận; Sinh ngày: 10/02/1960; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị; Giấy chứng thực cá nhân số: 001060004075 do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 22/5/2015; Địa chỉ thường trú tại: số 6 - B19 Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

[...]