Quyết định 27/QĐ-LĐTBXH Kế hoạch hành động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 27/QĐ-LĐTBXH
Ngày ban hành 14/01/2023
Ngày có hiệu lực 14/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2023

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: Số 68/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBTWMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lãnh đạo Bộ (để chỉ đạo thực hiện);
- Lưu: VT, KHTC, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-LĐTBXH ngày 14 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Năm 2022 tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh; khó khăn, thách thức, các yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng, dịch bệnh được kiểm soát, góp phần ổn định kinh tế - xã hội; đời sống nhân dân được cải thiện. Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đặc biệt, đã kịp thời trình ban hành nhiều chính sách, giải pháp về an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh, ổn định hơn. Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, xử lý dứt điểm, kịp thời… Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục dự báo diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn; các vấn đề già hóa dân số, bất bình đẳng giới, chênh lệch giàu nghèo, chất lượng nguồn nhân lực, di cư, dịch chuyển lao động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng... tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ.

I. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG VÀ QUAN ĐIỂM, TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH NĂM 2023

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung, quyết liệt với quyết tâm cao, linh hoạt, khoa học và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt trong hành động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành sau:

1. Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch năm 2023.

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

3. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

4. Tiếp tục đổi mới, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

5. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành. Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, trước hết đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kết nối, chia sẻ giữa các CSDL với nhau và kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Bộ.

[...]