Quyết định 27/2007/QĐ-UBND phê duyệt chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 27/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/04/2007
Ngày có hiệu lực 26/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Ao Văn Thinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 27/2007/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 16 tháng 04 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BKHĐT ngày 09/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII ngày 23/12/2005;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số: 170/TTr-TNMT ngày 27/3/2007 về việc phê duyệt Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Giao trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 theo quy định.

Điều 3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi chung việc triển khai Chương trình này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

CHƯƠNG TRÌNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII, UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2006 - 2010 nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Phần I

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VÀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

Trong 5 năm qua, kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, trong đó công nghiệp có mức tăng trưởng hàng năm rất cao. Trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp và đô thị, cùng với việc tăng dân số cơ học nhanh, đã phát sinh những tác động xấu đối với môi trường. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường ở Đồng Nai trong những năm qua đã có một số chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung môi trường vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái; ở một số nơi ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

I. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển 14.983 ha đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác, làm cho diện tích đất canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp bị giảm sút về số lượng. Tình trạng đất đai bị xói mòn, rửa trôi, khô hạn, mất chất hữu cơ, mất cân bằng dinh dưỡng... ở một số vùng vẫn chưa khắc phục có hiệu quả. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng trong nông nghiệp làm cho một số diện tích đất canh tác bị suy thoái.

Chất lượng các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn khá tốt, các thông số phân tích chất lượng nước của các sông, hồ đa số nằm trong tiêu chuẩn môi trường cho phép. Tuy nhiên, trong những năm qua lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng lớn, đặc biệt là nước thải sinh hoạt tại thành phố Biên Hòa và nước thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh (hiện nay lượng xả thải trung bình của các khu công nghiệp tập trung ước tính trên 60.000m³/ngày đêm) nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định, làm ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng nhiều nguồn nước trong tỉnh, đặc biệt là chất lượng nước của sông Đồng Nai, sông Thị Vải và một số hồ, đập, suối trong tỉnh (suối Linh, suối Săn Máu, suối Bà Lúa...). Nước ngầm ở một số vùng có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô do khai thác quá mức.

Hiện nay, chất lượng không khí tại hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép, ngoại trừ chỉ tiêu bụi lơ lửng thường không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Riêng đối với các cơ sở sản xuất như chế biến gỗ, dệt, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, hầu hết chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn nên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường lao động. Đối với chất lượng không khí tại các đô thị và những nơi đông dân cư (thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh,...) đang có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ, trong đó thông số vượt tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là bụi lơ lửng và tiếng ồn, đặc biệt ở các giao lộ có mật độ giao thông cao. Hoạt động khai thác khoáng sản như sét gạch ngói, đất, cát, đá xây dựng cũng góp phần gây ô nhiễm đáng kể tại một số khu vực, thể hiện qua các thông số ồn, chấn động rung và bụi do quá trình bắn nổ mìn, chế biến đá và vận chuyển vật liệu xây dựng.

Tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp đang diễn ra khá phức tạp. Khối lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn (năm 2005, ước tính phát sinh chất thải rắn trong toàn tỉnh khoảng 480.000 tấn, tăng gần 5 lần so với năm 2001), trong đó có khoảng 140.000 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại và 20.000 tấn chất thải rắn công nghiệp nguy hại chưa được thu gom, xử lý triệt để. Chất thải y tế chỉ thu gom, xử lý khoảng 65 - 70%, chủ yếu là tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, tài nguyên khoáng sản (sét, cát, đá,...) đang bị khai thác, sử dụng không hợp lý, có xu hướng cạn kiệt dần. Tình trạng buôn bán trái phép động thực vật quý hiếm, sử dụng các biện pháp khai thác có tính hủy diệt và gia tăng ô nhiễm môi trường, góp phần làm suy giảm đa dạng sinh học. Đáng chú ý là những năm gần đây đã xảy ra một số vụ sự cố tràn dầu trên sông Đồng Nai, tuy chưa gây ra những thiệt hại đáng kể nhưng tiềm ẩn những nguy cơ sự cố về môi trường.

II. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VỀ MÔI TRƯỜNG.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ngày 12/12/2005, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, trong 5 năm qua (2001 - 2005) UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh gắn việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội với triển khai, thực hiện đề án bảo vệ môi trường (theo Nghị quyết số 25/2001/NQ-HĐND ngày 22/01/2001 của HĐND tỉnh), chương trình bảo vệ môi trường (trong 12 chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2001 - 2005 của UBND tỉnh) và các kế hoạch hành động của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường đến năm 2005 (như bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường...).

Công tác quản lý Nhà nước về môi trường luôn được tăng cường về nhiều mặt. Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường được chú trọng, nhất là quy hoạch hệ thống bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, quy hoạch khu xử lý chất thải công nghiệp và đô thị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về môi trường được quan tâm nhiều hơn.

[...]