Quyết định 2669/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2669/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/11/2016
Ngày có hiệu lực 16/11/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2669/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 16 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Bộ tiêu quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 11/5/2011 về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kết luận số 04-KL/TU ngày 11/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 183/TTr-SNN ngày 09/11/2016 về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; trình độ dân trí được nâng cao, xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch; gắn phát triển nông thôn với xây dựng đô thị theo quy hoạch; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng bình quân mỗi xã đạt 18 tiêu chí trở lên, không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí; tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng tiêu chí ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn; phấn đấu có 2 - 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%; cơ bản 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch (Phụ lục số 01).

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Quy hoạch

Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường nông thôn hài hòa với phát triển đô thị, gắn với chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã; xây dựng quy hoạch hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tốt việc tưới, tiêu và thực hiện cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cho mỗi xã trung bình 100 triệu đồng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh.

2. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu

Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (hệ thống giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, khu văn hóa thể thao) để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

2.1. Về phát triển giao thông, thủy lợi

Trong giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ đầu tư cứng hóa 1.369 km, cụ thể: Tập trung ưu tiên kinh phí xây dựng 1.000 km đường trục chính ra đồng; xây dựng 55 km đường xã, 314 km đường thôn; cải tạo, nâng cấp 608 km đường đã được cứng hóa từ lâu hoặc mới được trải cấp phối, gồm: 208 km đường xã và 400 km đường thôn (Phụ lục số 2).

Xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động trong công tác tưới, tiêu nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, tiếp tục đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống rãnh thoát nước thải trong khu dân cư để đảm bảo việc tiêu thoát nước, cải tạo, tu sửa các trạm bơm và các công trình đầu mối, công trình trên kênh.

2.2. Xây dựng hệ thống điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin & truyền thông

Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống điện theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định và đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xây dựng 870 trạm biến áp phân phối 35kv/0,4kv và 22kv/0,4kv với tổng dung lượng 278,4MVA, trung bình mỗi thôn có ít nhất một trạm biến áp; xây dựng mới 366,5km đường dây 35kv, 22kv, 1.121km đường dây 0,4kv; cải tạo và nâng tiết diện 266,8km đường dây 35kv và 22kv; 1.245km đường dây 0,4kv; lắp mới và cải tạo 26.023 công tơ hạ thế với tổng mức đầu tư khoảng 802 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung đầu tư để cải tạo, nâng cấp 75 chợ truyền thống trong quy hoạch ở khu vực nông thôn, với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới truyền thanh; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới 30 điểm văn hóa xã và nâng cấp hệ thống truyền dẫn thông tin viễn thông của tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thông tin của người dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

2.3. Đầu tư xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa và trạm y tế

[...]