Quyết định 2665/QĐ-BYT năm 2021 phê duyệt Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cấp Bộ Y tế giai đoạn 5 năm 2021-2025

Số hiệu 2665/QĐ-BYT
Ngày ban hành 29/05/2021
Ngày có hiệu lực 29/05/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Văn Thuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2665/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP BỘ Y TẾ GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2021 - 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét Biên bản họp ngày 16/9/2020 của Hội đồng tư vấn xét duyệt đề án khung quỹ gen giai đoạn 2020 - 2025 cấp Bộ Y tế được thành lập tại Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 14/4/2020;

Căn cứ ý kiến góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với Đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp Bộ Y tế tại Công văn số 1174/BKHCN-CNN ngày 14/5/2021;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cấp Bộ Y tế giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 với mục tiêu, nội dung, dự kiến kết quả và Danh mục nguồn gen bảo tồn cấp Bộ Y tế giai đoạn 2021 - 2025 tại Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Chương trình; tổ chức triển khai nhiệm vụ của Chương trình theo đúng mục tiêu, nội dung và sản phẩm đã được phê duyệt; xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen cấp Bộ Y tế.

Điều 3. Giao Viện Dược liệu là đơn vị chuyên môn đầu mối quản lý, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ mạng lưới quỹ gen và cơ sở dữ liệu quỹ gen cấp Bộ; đơn vị quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; báo cáo Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trực tiếp về các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, cơ sở dữ liệu quỹ gen thuộc lĩnh vực được giao của mạng lưới quỹ gen.

Điều 4. Cơ chế quản lý và tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các quy định hiện hành liên quan.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Viện trưởng Viện Dược liệu, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
- Website BYT, Website Cục K2ĐT (để đăng thông tin);
- Lưu: VT, K2ĐT(2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trần Văn Thuấn

 

Mẫu 1
17/2016/TT-BKHCN

PHỤ LỤC 1

ĐỀ ÁN KHUNG BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP BỘ Y TẾ GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2665/QĐ-BYT ngày 29 tháng 05 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Tính cấp thiết

Việt Nam hiện có khoảng 10.350 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 800 loài Rêu, 600 loài Nấm và hơn 2.000 loài Tảo, trong đó có nhiều loài thực vật sử dụng làm thuốc. Việt Nam là 1 trong 10 Trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Tính đến nay, Việt Nam đã thống kê được 5.117 loài và dưới loài, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành Thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch đã biết. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.

Từ năm 1988, Viện Dược liệu - đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Y Tế đã được Ủy ban KHKT Nhà nước (Nay là Bộ KH&CN) giao cho nhiệm vụ là đầu mối thực hiện công tác Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc Việt Nam. Ngoài Viện Dược liệu, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc còn được nhiều cơ quan trong và ngoài ngành Y tế tham gia thực hiện như: Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp mười, Trại Dược liệu Trà Linh - Quảng Nam, Học viện quân Y, Viện Quân y 103, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, Trung tâm dược liệu quân khu 9…

Ngày nay, cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết quan tâm chủ quyền quốc gia và trao đổi nguồn gen quốc tế. Vì thế vấn đề quản lý bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững nguồn gen càng trở nên cấp thiết hơn.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen qua các văn bản chỉ đạo:

- Quyết định số 1250/2013 ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

[...]